Mua nhà tiền tỷ, chết quàn nhà người thân
Tháng 4-2009, bà Phạm Thị Kim Anh mua lại căn hộ A1-6 giá 3,8 tỷ đồng (giá gốc trên 956 triệu đồng), do Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư. Dọn vào ở chỉ một thời gian ngắn, trần bê tông của phòng ngủ bắt đầu xuất hiện các vết thấm nước.
Vết thấm ngày càng lan rộng, có mùi hôi. Khi kiểm tra bà Anh phát hiện bên trên phòng ngủ căn hộ của mình là 4 nhà vệ sinh của 2 căn hộ khác. Lá đơn đầu tiên bà Kim Anh gửi chủ đầu tư vào tháng 5-2010, ngay sau đó chủ đầu tư cử nhân viên xuống ghi nhận, khắc phục nhưng vài ngày sau trần nhà lại phát sinh những điểm thấm nước mới. Chủ đầu tư tiếp tục cho người xuống khắc phục, nhưng khi vết thấm cũ giảm, vết thấm mới lại xuất hiện.
Đến lá đơn thứ 6 bà Kim Anh gửi cuối tháng 9-2010, chủ đầu tư không phản hồi nữa. Thậm chí khi nước trào ra các phòng, bà Kim Anh thông báo cho Ban lãnh đạo Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng thì được trả lời: “Muốn làm gì thì làm, nhà hết hạn bảo hành rồi”.
Bà Kim Anh cho biết, mua căn hộ được quảng cáo là cao cấp với hy vọng tìm một chốn an cư cuối đời cho tuổi già của chồng, đặc biệt là bố chồng bà vốn đã ngoài 90 tuổi. Nhưng từ khi dọn về ở, sự cố căn hộ khiến cuộc sống của gia đình bà bị đảo lộn hoàn toàn.
Chồng và bố chồng bà vốn bị bệnh nặng, theo khuyến cáo của bác sĩ cần một môi trường trong lành để nghỉ dưỡng và điều trị tại nhà. Vậy là gia đình phải ra ngoài thuê một căn hộ khác để tiện việc điều trị. Cha chồng bà Kim Anh là một giáo sư nổi tiếng trong ngành lâm nghiệp: GS. Lâm Công Định, đã viết thư kêu cứu khắp nơi để Phú Mỹ Hưng có trách nhiệm khắc phục sự cố nhưng không có kết quả.
Chồng và cha chồng bà Kim Anh lần lượt qua đời trước khi sự việc được Tòa án quận 7 đưa ra xét xử. Đau lòng hơn, khi qua đời, quan tài của GS. Lâm Công Định phải quàn nhờ tại nhà một người bà con ở Tân Bình, vì sinh thời ông cụ nhất quyết không chịu về nhà khi 4 cái toilet trên đầu chưa khắc phục xong.
Dưới, trên cùng khổ
Ngày 7-1-2013 vừa qua, Tòa án Nhân dân quận 7 đã có “Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ”, về tình trạng căn hộ để thu thập chứng cứ trước khi đưa vụ việc ra xét xử trong vài ngày tới. Theo đó, biên bản xác nhận bên trong phòng ngủ có thấm ố do nước, vết ố loang xuống tường. Phía trên vị trí phòng ngủ là 2 căn hộ có 4 nhà vệ sinh. Việc thấm ố nhà bà Kim Anh là do các nhà vệ sinh trên gây nên.
Ngoài ra, theo phản ánh của bà Kim Anh, bên ngoài căn hộ của bà còn có 2 ống nhựa lộ thiên, 1 ống thoát nước thải, 1 ống dẫn phân. Trong khi đó đại diện Phú Mỹ Hưng cho rằng lâu ngày nên không nhớ chức năng của 2 ống trên là gì, cần phải kiểm tra lại!
Một góc khu Hưng Vượng, Phú Mỹ Hưng (TPHCM).
Không chỉ bà Kim Anh khổ sở khi mua căn hộ này, mà những hộ bên trên cũng bị “vạ lây”. Trước đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ căn hộ A1-7, phía trên căn hộ bà Kim Anh, cũng có đơn gửi Tòa án quận 7, phản ánh việc thiếu trách nhiệm của Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng khi thiết kế trái nguyên tắc 2 nhà vệ sinh của nhà bà trên phòng thờ và phòng ngủ của nhà dưới, gây ra thấm dột triền miên.
Những gia đình ở 2 căn hộ phía trên căn hộ của bà Kim Anh đã chịu nhiều phiền toái trong những năm qua do nhiều lần cho thợ vào nhà vệ sinh đục khoét tìm nguyên nhân gây thấm dột. Sau khi không khắc phục được, 2 hộ này phải hạn chế sử dụng nước từ nhà vệ sinh để bớt thấm xuống căn hộ bên dưới.
Trao đổi với ĐTTC, bà Kim Anh cho biết đã thuê chuyên gia thẩm định tình trạng căn hộ của bà và họ khẳng định “căn hộ đã bị khuyết tật”. Do đó, khắc phục như ý muốn là điều hết sức khó khăn. Nguyên đơn yêu cầu Phú Mỹ Hưng phải đổi một căn hộ khác tốt hơn. Ngoài ra, bà Kim Anh cho là do căn hộ kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình bà, nên đòi Phú Mỹ Hưng bồi thường thêm 400 triệu đồng cho chi phí thuốc men điều trị cho cha và chồng và tiền gia đình bà phải thuê nơi ở khác từ khi căn hộ bị dột, cùng hơn 100 triệu đồng tiền đi lại bằng taxi để đưa chồng đi chữa bệnh.
Tuy nhiên, phía Phú Mỹ Hưng chỉ đồng ý hỗ trợ 100 triệu đồng để bà Kim Anh sửa chữa căn hộ nói trên, với điều kiện bà phải rút đơn kiện.
Được biết, căn hộ A1-6 được khách hàng đầu tiên mua vào tháng 12-2003, sau đó bán lòng vòng cho nhiều người đến ngày 28-4-2009 thì chuyển nhượng lại cho bà Kim Anh. Đến nay căn hộ này vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền.
-
Nhà ở thu nhập thấp: Khó người bán lẫn người mua!
Hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn Thừa Thiên Huế rất lớn và các dự án trên địa bàn cũng đã hoàn thiện từ lâu. Tuy nhiên, cho đến giờ, hàng chục căn nhà của nhiều dự án vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
-
Bất động sản và những con số biết nói
Thị trường bất động sản đang bị che phủ bởi các con số che giấu bản chất thực của thị trường.
-
Đã có rất nhiều ý kiến đánh giá nguyên nhân và tác hại của tình trạng phát triển nóng, nhất là đầu cơ bất động sản dẫn đến tình trạng tồn kho và nợ xấu, song dường như vẫn chưa nói hết sự tàn phá của cơn “địa chấn” này đối với kinh tế và xã hội.