Theo khảo sát này, có tới 65% các nhà đầu tư được hỏi có quan tâm đến các cơ hội M&A tại Việt Nam và dự kiến sẽ tới để tìm hiểu cơ hội.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu nhận xét, trong 5 năm gần đây, tăng trưởng hoạt động M&A tại Việt Nam đạt mức bình quân 30%.
Từ cơ sở trên, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM Vietnam,
đại diện nhóm nghiên cứu nói: “Chính vì vậy chúng tôi tin rằng, tốc độ
tăng trưởng của hoạt động M&A sắp tới sẽ tiếp tục ở mức trên 30%".
Ông Minh nhận xét, chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới sẽ tạo động lực cho các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa như Mobifone, VNSteel.
Năm 2011, tổng giá trị các thương vụ M&A đạt gần 4 tỉ đô la Mỹ, tăng ấn tượng so với con số 1,7 tỉ đô la Mỹ năm 2010, theo thống kê từ các tổ chức nghiên cứu M&A như ThomsonReuter, IMAA và AVM Vietnam. Trong năm 2011, trên 2,6 tỉ đô la Mỹ là các giao dịch liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài.
Những thương vụ tiêu biểu nhất được công bố như Tập đoàn Viễn thông VimpelCom của Nga tăng tỷ lệ sở hữu trong liên doanh Gtel-Mobile lên 49% và IFC mua 10% của Vietinbank, Mizuho mua cổ phần chiến lược của Vietcombank, Carlsberg mua lại phần vốn góp tại Huda Huế...
Trong số các thương vụ M&A thực hiện trong năm 2011, nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào ngành hàng tiêu dùng, ngân hàng và bất động sản.
Ngành hàng tiêu dùng được đánh giá là thu hút nhất, với tổng giá trị thương vụ lên đến 1 tỉ đô la Mỹ, chiếm 25% tổng giá trị M&A tại Việt Nam. Các thương vụ nổi bật với việc mua tỷ lệ cổ phần chi phối cho thấy xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đang thực hiện mở rộng chuỗi giá trị và tiếp cận thị trường thông qua M&A. Có thể kể đến các thương vụ như Unicharm – Diana, Marico – ICP,...
Lĩnh vực tài chính – ngân hàng được các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm. Các thương vụ như Mizuho – Vietcombank, IFC – Vietinbank, PVI – Talant... cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mong muốn được đầu tư chiến lược vào các tổ chức tài chính lớn cổ phần hóa.
Riêng với bất động sản, những khó khăn trong năm 2011 đã giúp cho hoạt động M&A trong lĩnh vực này diễn ra tương đối sôi động. Các giao dịch thống kê được trong năm 2011 cho thấy tổng giá trị các thương vụ đạt khoảng 250 triệu đô la Mỹ, trong đó còn nhiều giao dịch khác đã diễn ra nhưng không được công bố, chủ yếu là đối tác trong nước bán cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong năm 2011, các tập đoàn từ Nhật Bản có đóng góp nhiều nhất vào dòng tiền M&A cho thị trường Việt Nam, với tổng giá trị thương vụ lên đến 596 triệu đô la Mỹ. Nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư mạnh vào 2 ngành hàng tiêu dùng và tài chính.
Tiêu biểu nhất trong lĩnh vực tài chính là thương vụ phát hành cổ phần có giá trị lớn nhất từ trước đến nay của Vietcombank. Ngân hàng này phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Mizuho. Đây là lần thứ 2 một ngân hàng Nhật tham gia làm cổ đông chiến lược của một ngân hàng ở Việt Nam. Thương vụ trước là Sumitomo Mitsui Banking Corporation mua 15% cổ phần của Eximbank.
Ông Minh cho rằng, những yếu tố chính lý giải cho việc tỷ trọng các thương vụ có yếu tố nước ngoài gia tăng tại Việt nam là các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận thấy những cơ hội đầu tư thuận lợi hơn khi mua lại công ty, thay vì thực hiện đầu tư trực tiếp.