Hình minh họa
Báo cáo Việt Nam 2035 cho rằng, việc quản lý và thực thi một số vấn đề mua bán quyền sử dụng đất tại nước ta còn nhiều bất cập. Trong đó, chủ yếu là chưa dựa trên quan hệ cung- cầu hay nhu cầu thực sự của người dân và thực hiện theo cơ chế thị trường.
Cụ thể, theo phân tích của báo cáo, thị trường mua bán quyền sử dụng đất hiện nay còn vắng bóng. Gần như chưa có thị trường đất đai sơ cấp. Thị trường chủ yếu do các cơ quan nhà nước vận hành thông qua những thủ tục hành chính thiếu thực tế và “giá” quyền sử dụng đất được định đoạt không sát thị trường.
Trong khi đó, thị trường thứ cấp được đánh giá là phát triển hơn nhưng còn vấp phải nhiều trở ngại. Đó là cơ chế thị trường còn ít được áp dụng trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Điều này dẫn đến quy hoạch sử dụng đất của chính quyền địa phương quyết định mục đích sử dụng đất chứ chưa dựa trên quan hệ cung- cầu hay nhu cầu thực sự của người dân địa phương.
Một điểm bất cập nữa là người bán đất hiện nay thường là nông dân, họ ít có khả năng được đền bù một cách thoả đáng. Lợi ích của việc chuyển nhượng lại chủ yếu rơi vào chính quyền địa phương và “người mua” - người thường được mua với giá rẻ hơn giá thị trường thứ cấp.
Các chuyên gia nhận định, cùng với quyền sở hữu tài sản chưa được quy định rõ ràng đã khuyến khích mô hình kinh doanh dựa trên quan hệ thân hữu. Việc mua bán đất đai chưa thực hiện theo cơ chế thị trường đúng nghĩa cũng làm giảm hiệu quả kinh doanh. Người có quyền sử dụng đất muốn chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện hoạt động kinh tế có lợi hơn sẽ phải chịu chi phí hành chính rất cao, thường là cao tới mức không thể chịu nổi, và quy trình thì mất nhiều thời gian. Mặt khác, nó cũng làm méo mó quá trình đô thị hóa.
Từ thực tế và những phân tích trên, nhóm tác giả thực hiện báo cáo cũng cho rằng, thị trường đất đai phát triển minh bạch và đầy đủ chức năng nên là một ưu tiên chính sách quan trọng và cấp thiết cần chú trọng trong thời gian tới.