Ảnh minh hoạ.
Theo VDSC, BIDV cho biết đang trong quá trình chờ phê duyệt chủ trương tăng vốn từ Ngân hàng Nhà nước và làm việc các nhà đầu tư tiềm năng để hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ (2,9% vốn điều lệ) trong quý 1/2025. Giá trị của lần phát hành này không được tiết lộ. Phần còn lại, tương ứng khoảng 6,1% vốn điều lệ, sẽ được thực hiện tùy thuộc vào điều kiện thị trường và tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư.
Sau khi phát hành thành công, BIDV sẽ cải thiện hệ số CAR (hiện tại 9,2%) tuy nhiên có thể làm giảm ROE nếu như lợi nhuận không có mức tăng trưởng tương xứng.
Bên cạnh đó, BIDV sẽ tăng vốn điều lệ qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 21%) sau khi có phê duyệt của Bộ Tài chính, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2025.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên BIDV năm 2024 đã thông qua phương án phát hành 1.361 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng.
Trong đó, số cổ phiếu phát hành để trả cổ tức năm 2022 là 1.197 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 21%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 21 cổ phiếu mới), số phát thêm bằng hình thức chào bán riêng lẻ là 164 triệu cổ phiếu. Nguồn tiền dùng để tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận còn lại năm 2022 sau khi trích lập các quỹ là 11.970 tỷ đồng và 1.648 tỷ đồng từ việc phát hành thêm cổ phiếu bằng hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ dự kiến khoảng 2,89% vốn điều lệ ở thời điểm 31/12/2023.
BIDV cho biết số cổ phiếu chào bán riêng lẻ áp dụng với đối tượng là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và là nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, có thể bao gồm một số cổ đông hiện hữu của BIDV.
Giá chào bán sẽ xác định theo nguyên tắc giá thị trường, số cổ phần chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Cũng theo ghi nhận của VDSC, BIDV cho biết sẽ sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt là 14,04% (tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm gần nhất là khoảng 11%).
Về triển vọng lãi suất toàn thị trường, BIDV nhận định rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng nhẹ khoảng 0,25 điểm % về cuối năm do yếu tố mùa vụ để đáp nhu cầu tín dụng thường tăng nhanh vào dịp này. Tuy nhiên, BIDV dự kiến không tăng lãi suất huy động từ nay tới cuối năm.
Về chất lượng tài sản, BIDV nhận định rằng nợ xấu đã tạo đỉnh trong quý 3 và cam kết kiểm soát tỷ lệ nợ xấu cuối năm dưới 1,4%.
BIDV cũng dự báo mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng nhẹ (duy trì trong khoảng 5,25%-5,5% với kỳ hạn 12 tháng), phù hợp với xu hướng phục hồi của tín dụng. Trong khi NIM sẽ cải thiện so với năm 2024 nhờ nhu cầu tín dụng phục hồi, đặc biệt là tín dụng bán lẻ, và triển khai các kế hoạch gia tăng tỷ lệ CASA.
Về tỷ giá, ngân hàng cho rằng tỷ giá USD/VND tăng khoảng 2-3%, không gặp áp lực lớn như năm 2024 (hiện tại 4,5%), khi FED tiếp tục cắt giảm lãi suất và dòng ngoại tệ từ FDI, xuất khẩu.
Với những dự báo trên, BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2025 không thấp hơn năm 2024 (ít nhất 10%).
-
Hé lộ danh sách 37 khu đất mà Thừa Thiên Huế sắp đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố 37 khu đất đấu thầu thực hiện dự án khu dân cư, khu đô thị, và các khu đất đấu thầu chọn nhà đầu tư theo quy định.