18/05/2011 1:00 AM
Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ giảm mạnh trong khi Ngân hàng Nhà nước hút ròng. Có thể có một lượng tiền khá lớn chảy vào các ngân hàng thương mại.
Một lượng tiền khá lớn chảy vào ngân hàng?

Lượng tiền gửi của chính một số ngân hàng qua các công ty con là một dòng chảy đáng chú ý trong thời gian qua - Ảnh: Getty.

Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) vừa phát đi bản tin hỗ trợ nhà đầu tư, cập nhật diễn biến thị trường từ 9 - 17/5/2011. Một nội dung chính của bản tin này là biến động của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng với những dự đoán về các dòng chảy của nguồn vốn.

Theo nội dung của bản tin, Ngân hàng Nhà nước có tuần thứ hai liên tiếp trong tháng 5 hút ròng về 2.458 tỷ đồng trên thị trường mở. Tỷ lệ đăng ký/chào thầu cả 2 tuần đầu tháng 5 đều thấp hơn nhiều so với 2 tuần đầu tháng 4, tại thời điểm mà Ngân hàng Nhà nước bơm ròng. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng bất ngờ giảm mạnh, kỳ hạn qua đêm những mức cao từ 20%/năm đã xuống còn 14%/năm.

Những diễn biến trên cho thấy có thể có một lượng tiền khá lớn chảy vào các ngân hàng thương mại. Và TLS dự đoán có hai nguyên nhân chính, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ hoạt động Ngân hàng Nhà nước tranh thủ điều kiện thị trường ngoại hối thuận lợi để mua vào USD, cung tiền đồng ra cho các ngân hàng thương mại.

Nếu theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong một báo cáo mới đây, dự trữ ngoại hối cuối năm 2010 của Việt Nam là 12,4 tỷ USD - tương đương với 1,9 tháng nhập khẩu. TLS tính toán, để đảm bảo lượng dự trữ ngoại hối an toàn tương đương với 12 tuần nhập khẩu, Ngân hàng Nhà nước phải mua vào thêm 6,6 tỷ USD (tương đương với bơm ra khoảng 135.000 tỷ đồng).

“Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước sẽ mua dần dần để đảm bảo tỷ giá không bị biến động mạnh, đồng thời có thể sẽ thông qua thị trường mở để hút bớt tiền đồng về để đảm bảo tiền đồng không bị cung ra quá nhiều”, bản tin TLS nhìn nhận.

Ở nguyên nhân thứ hai mà TLS dự đoán: trước đó lãi suất liên ngân hàng cao hơn lãi suất thực huy động khiến nhiều ngân hàng thương mại rút tiền gửi tại các ngân hàng thông qua công ty con của mình về làm tăng lượng tiền mặt tại các ngân hàng này. Và liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền gửi của tổ chức sụt giảm trong tháng 4 dẫn đến huy động vốn của hệ thống tăng trưởng âm?

Dòng chảy đó đã làm tăng thanh khoản tiền đồng đối với những ngân hàng thương mại đã rút tiền về, trong khi những ngân hàng thương mại bị rút tiền sẽ mất đi một lượng tiền gửi không nhỏ và có thể đẩy lãi suất huy động lên cao nữa. Ngược lại, khi lãi suất liên ngân hàng thấp hơn so với lãi suất huy động từ thị trường ngoài thì nhiều ngân hàng thương mại lại thông qua công ty con để gửi kì hạn tại các ngân hàng khác và làm tăng lãi suất liên ngân hàng. Cơ chế này đảm bảo cho hai mức lãi suất không chênh nhau quá nhiều.

“Chúng tôi kì vọng mức lãi suất liên ngân hàng thấp sẽ không kéo dài và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hút tiền về thông qua thị trường mở. Việc Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục nâng lãi suất OMO lên 15% ngày 17/5 tiếp tục thể hiện quan điểm nhất quán trong chính sách tiền tệ thắt chặt của mình như đã từng làm những tháng trước”, bản tin của TLS kết luận.
Theo Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.