01/06/2022 10:17 AM
Thực tế này khiến Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hoá) băn khoăn liệu có tình trạng sao chép quy hoạch hay không bởi hiện nay chưa có đánh giá chất lượng quy hoạch.

Ảnh minh hoạ.

Có tình trạng sao chép quy hoạch hay không?

Ngày 30.5, Quốc hội tiến hành giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay”.

Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hoá) cho biết đến thời điểm này, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đã hình thành khung pháp lý để triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch theo quy định của luật.

Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, ban hành rất chậm. Một số văn bản hướng dẫn của các bộ ban hành chưa phù hợp và đồng bộ với Luật Quy hoạch.

Ông Hùng cho rằng nội hàm cụ thể về tích hợp quy hoạch chưa rõ, chưa ban hành được danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, chưa có quy định về lựa chọn tư vấn lập quy hoạch…

Vị đại biểu này cũng bày tỏ băn khoăn khi nhiệm vụ lập quy hoạch khó và phức tạp, nhưng một đơn vị tư vấn cùng một lúc có đến 21 tổ chức làm quy hoạch. Trong khi hiện nay chưa có đánh giá chất lượng quy hoạch. Liệu có tình trạng sao chép quy hoạch hay không?

Giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn mà đại biểu này đề xuất là tập trung rà soát, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến quy hoạch, cụ thể là các nội dung còn bất cập của Luật Quy hoạch và các văn bản đã ban hành có liên quan đến Luật Quy hoạch.

Đồng thời, ban hành các hướng dẫn quy định có giải pháp xử lý các vướng mắc khi chưa sửa đổi Luật Quy hoạch bằng một nghị quyết của Quốc hội, và đánh giá chất lượng một số quy hoạch đã được phê duyệt để nâng cao chất lượng và nâng tầm của quy hoạch tổng thể quốc gia.

Tiếp đó, xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ trong lập quy hoạch, như về lựa chọn tư vấn phải đủ năng lực, kinh nghiệm, phải có tư vấn phản biện độc lập, nghiên cứu bố trí nguồn lực ngoài vốn đầu tư công, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp, nguồn vốn thường xuyên để các bộ, ngành, địa phương bảo đảm sự chủ động.

“Việc điều chỉnh quy hoạch phải linh hoạt, mềm dẻo hơn so với quy định hiện hành”, đại biểu này nhấn mạnh.

Ông Hùng cho rằng cần sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Luật Quy hoạch và có lộ trình kế hoạch để sửa đổi Luật Quy hoạch.

Nguyên nhân nào làm chậm tiến độ quy hoạch?

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (An Giang), công tác quy hoạch là nhiệm vụ khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, từ đó có tác động rất lớn đến đời sống của người dân.

Đại biểu cũng chỉ ra những mấu chốt quan trọng dẫn đến những hạn chế trong công tác quy hoạch là do chưa có sự thống nhất dẫn đến những cách hiểu khác nhau về một số nội dung trong Luật Quy hoạch, chẳng hạn như về trình tự lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, về quan hệ giữa các quy hoạch…

“Bên cạnh đó, công tác quy hoạch hiện được điều chỉnh bởi nhiều văn bản luật cũng như dưới luật, gây khó khăn trong quá trình nghiên cứu và áp dụng”, bà Hương phát hiểu và cho rằng đây là những nguyên nhân sâu xa làm chậm tiến độ quy hoạch cần phải nhanh chóng tháo gỡ.

Đại biểu bày tỏ ủng hộ việc Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên đề nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch.

Đồng thời phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, qua đó chú trọng việc tăng cường cung cấp thông tin, đổi mới cơ chế, cách thức công khai quy hoạch, lấy ý kiến của nhân dân, giúp cho người dân dễ nắm bắt, dễ tiếp cận thông tin liên quan đến quy hoạch, đảm bảo dân chủ, đồng thời góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân một cách tốt nhất.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 quốc gia với các quy hoạch có liên quan.

Bên cạnh đó, đại biểu này cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thẩm định, phê duyệt với những giải pháp khoa học, chi tiết, trong đó giao rõ nhiệm vụ cho các Tổ công tác và đầu mối chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, trong trung và dài hạn cần tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch, đặc biệt là kịp thời và đồng bộ với sửa đổi Luật Đất đai mà theo dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 sẽ được đưa vào xem xét bắt đầu từ Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.