Có dịp ngồi canô đi trên sông Sài Gòn từ bến Bạch Đằng (quận 1) về huyện Củ Chi, hẳn nhiều người sẽ thấy dọc đoạn sông dài hơn 70 km, lòng sông rộng rãi nhưng tàu bè qua lại thưa thớt. Hai bên bờ sông cảnh quan mát mẻ, chỉ có vài bến vật liệu xây dựng sót lại, không thấy bóng dáng các bến khách.
Nhìn sông mà tiếc
Thị sát sông Sài Gòn nhiều lần với dự định mở cùng lúc 2 tuyến du lịch thủy nhưng chị Hoàng Thị Thi, giám đốc một công ty du lịch tại TP HCM, nói nếu dọc 2 bên sông mở tầm 6 - 8 bến thủy để công ty có thể đưa khách ghé thăm các vườn trái cây, vườn hoa, các ngôi chùa… thì quá tốt, đằng này không có bến, nếu mở tuyến chỉ đưa khách ngắm sông thì… thua! "Nếu dọc sông có bến bãi thì tôi lập tức mở tuyến ngay. Nhìn cảnh sông nước hữu tình thế này mà không khai thác được quả là tiếc lắm" - chị Thi chia sẻ.
Vừa đưa vào khai thác tuyến vận tải khách kết hợp du lịch hơn 2 tháng nay, ông Trần Song Hải, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (Greenline DP) - đơn vị khai thác tuyến tàu cao tốc quận 1 - Bình Dương - Củ Chi, cho biết nhiều ngày nay, công ty đang tìm các điểm tham quan kết hợp cho khách ghé qua những vườn hoa ở Hóc Môn, vườn cây trái ở Củ Chi… Thế nhưng, dù xác định được rất nhiều điểm đến nhưng do TP không có quy hoạch bến thủy, không cho mở bến cũng đành chịu. "Hiện nay, tuyến tàu cao tốc của công ty đang hoạt động cầm chừng trong mùa dịch, khách đi tàu khá thích thú vì được trải nghiệm cảnh quan sông nước nhưng do điểm tham quan còn ít nên khả năng khách quay lại không nhiều" - ông Hải nói. Theo ông Hải, phát triển giao thông thủy là tất yếu của TP HCM nhằm "chia lửa" với giao thông bộ, chưa kể góp phần phát triển kinh tế - xã hội thông qua du lịch thủy, dịch vụ ven sông. Do đó, để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, TP cần sớm khai thông bài toán về luồng tuyến, bến bãi.
Nếu được khai thác hiệu quả, quỹ đất dọc sông Sài Gòn sẽ hỗ trợ phát triển giao thông thủy và mang lại nguồn thu cho TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Dù đưa vào khai thác hơn 2 năm nhưng tuyến buýt sông số 1 vẫn chờ TP giao 6/11 bến bãi đón/trả khách theo hợp đồng dự án, nguyên nhân do các thủ tục thẩm định, giao đất dọc hành lang sông rạch thực hiện rất nhiều thủ tục nên tốn rất nhiều thời gian. Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật - chủ đầu tư tuyến buýt sông này, cho biết do là dự án đầu tiên về vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nên việc giao đất làm bến bãi có chậm và kỹ hơn, tuy nhiên, việc thiếu bến bãi khiến sản lượng hành khách trên tuyến buýt số 1 sụt giảm so với dự kiến, doanh nghiệp không đạt mục tiêu mong muốn. "Cần tháo điểm nghẽn về cơ chế cho thuê đất, quy hoạch sử dụng đất dọc hành lang sông, rạch sớm chừng nào thì hiệu quả giao thông thủy sớm phát huy chừng ấy" - ông Toản nói.
Vừa gỡ vừa xây
Với lợi thế 110 tuyến sông, rạch trên tổng chiều dài khoảng 1.100 km nhưng TP HCM chỉ đang khai thác khoảng 20 tuyến vận tải hành khách và du lịch đường thủy, hoạt động trên 230 bến thủy nội địa và bến khách ngang sông sẵn có. Sản lượng vận tải hành khách thông qua cảng, bến năm 2019 đạt 36,4 triệu lượt. Con số này được các chuyên gia đánh giá khá khiêm tốn so với tiềm năng sông nước trên địa bàn TP.
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, cho rằng điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là chưa có cơ chế sử dụng đất, cho thuê đất thuộc hành lang bờ sông kênh rạch, do đó việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng, bến bãi không thể thực hiện. Theo các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch thì việc cho thuê đất, sử dụng đất dọc hành lang sông kênh rạch phải đúng mục đích sử dụng đất cũng như kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
"Nhiều năm nay, việc phát triển giao thông thủy tại TP HCM chủ yếu dựa trên hệ thống bến bãi, hạ tầng sẵn có, chưa thể mở bung các bến thủy như mong muốn. Để tạo điều kiện cho giao thông thủy phát triển theo quy hoạch đề ra, TP HCM phải chờ ý kiến của Bộ Tài nguyên - Môi trường và Chính phủ điều chỉnh các quy định của pháp luật liên quan về quy hoạch cũng như kế hoạch sử dụng đất thuộc hành lang sông, kênh rạch trên địa bàn TP HCM. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng cơ chế sử dụng quỹ đất trên hành lang bờ sông, kênh rạch cho tổ chức, cá nhân thuê để xã hội hóa đầu tư hạ tầng, bến bãi" - Phó Giám đốc Sở GTVT TP thông tin. Ông Bùi Hòa An khẳng định nếu khai thông điểm nghẽn này sẽ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách TP, chưa kể tạo thêm nguồn thu cho ngân sách từ các dịch vụ ven sông.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP, trong khi chờ đợi pháp lý quy hoạch sử dụng đất hành lang bờ sông, kênh rạch, TP sẽ tập trung nguồn lực xây dựng một số bến thủy theo quy hoạch, trên cơ sở đó kêu gọi nhà đầu tư mở tuyến thủy, đóng phí để vào bến hoạt động. Ngoài ra, triển khai nạo vét luồng tuyến, nâng độ tĩnh không thông thuyền tại các cầu bắc qua kênh, nghiên cứu đề xuất cơ chế thực hiện và khai thác thí điểm một tuyến hoặc một đoạn tuyến sông hoạt động du lịch sông nước kết hợp các loại hình dịch vụ trên bờ.
Kết nối bến thủy nội địa với cảng biểnTheo Sở GTVT TP HCM, giai đoạn 2021-2030, đơn vị này sẽ tập trung đầu tư luồng tuyến giao thông đường thủy nội địa kết nối đến cảng biển. Cụ thể, 3 hướng liên kết mới gồm: 4 tuyến từ nội thành đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), 3 tuyến kết nối khu Đông TP tới cảng Cát Lái (quận 2) và 2 tuyến cảng vành đai. Song song đó, tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics trên địa bàn TP với các trung tâm logistics như Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Hiệp Phước... |
-
TPHCM cần 21.000 tỉ đồng để kết nối giao thông thủy liên vùng
TPHCM cần 21.000 tỉ đồng để phat triển hoàn thiện hệ thống giao thông thủy kết nối liên vùng trong giai đoạn 2020 - 2050.