Nhiều hộ dân giao đất làm dự án tuyến quốc lộ 1 - đoạn tránh TP Biên Hòa, sau đó vào ở tại khu tái định cư Phước Tân (xã Phước Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) nhưng phải khốn khổ vì thiếu điện, nước.

Tủ điện đã có điện kéo đến trước nhà dân, nhưng vì vướng mắc thủ tục, người dân trong khu tái định cư vẫn phải mua điện với giá cao ngất ngưởng - Ảnh: A Lộc

Đầu tháng 10-2014, dự án nói trên được đưa vào sử dụng, nhưng đến nay nhiều khu đất trong khu tái định cư phục vụ dự án này vẫn chưa được giải phóng mặt bằng, hàng chục người dân vào đây ở vẫn chưa có điện để dùng, phải câu điện bên ngoài với giá cao ngất ngưởng.

Anh Nguyễn Văn Hưng, một người dân ở đây, cho biết nhà anh bàn giao mặt bằng và dọn vào khu tái định cư ở đã hơn một năm nay, nhưng mãi đến gần Tết Nguyên đán vừa qua mới có nước sạch để sử dụng, còn điện thì vẫn phải mòn mỏi chờ đợi.

Theo anh Hưng, sau khi được đền bù 92 triệu đồng và được bố trí một lô đất trong khu tái định cư rộng 100m2, anh vay mượn thêm để xây căn nhà gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, để kéo được điện thì anh phải đóng tiền cơ sở hạ tầng là 2,05 triệu 
đồng/m2, tổng số tiền anh phải đóng cho toàn lô đất của nhà anh là 205 triệu đồng.

“Vợ chồng tôi đều làm công nhân mà phải nuôi hai con nhỏ nên số tiền trên vượt quá khả năng của chúng tôi. Để có điện sử dụng, tôi phải câu nhờ điện của người ta mỗi tháng tốn đến 700.000 đồng”.

Giải thích về các vướng mắc đang xảy ra ở dự án, ông Phan Quyết Thắng - phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận (đơn vị phụ trách xây dựng hạ tầng của khu tái định cư) - cho biết: “Công ty đã nhiều lần làm việc với đơn vị phụ trách giải phóng mặt bằng là UBND TP Biên Hòa nhằm nhanh chóng thu hồi, bàn giao đất sạch cho công ty sớm hoàn thiện dự án.

Hiện còn nhiều thửa đất thuộc diện vắng chủ (không có nhà trên đất) gây khó khăn trong việc xác định chủ đất và nguồn gốc đất. Nguyên nhân do người dân mua đi bán lại trên thị trường không theo quy định nhà nước nên không thể xác định chủ sở hữu”.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, một người dân ở khu tái định cư này, cho biết: “Chúng tôi về ở từ đầu tháng 10-2014 và phải tốn gần 20 triệu đồng khoan giếng lấy nước để tắm giặt. Còn nước để ăn, uống thì phải mua nước bình”.

Theo ông Phạm Thế Tăng, trưởng phòng kế hoạch - kỹ thuật Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai, việc chậm cấp nước sạch đến khu tái định cư nói trên là do có những hồ sơ ở dự án này gửi lên không đủ điều kiện vì thiếu các tiêu chí đã quy định như bản sao chủ quyền nhà đất, hộ khẩu...

Tuy nhiên vào đầu năm nay, công ty cũng linh hoạt giải quyết nhanh cho nhiều hộ dân để đấu nối nước sinh hoạt. Hiện công ty tiếp tục đấu nối, cấp nước cho các hộ dân ở khu vực dự án.

Nói đến những khó khăn khi làm dự án tái định cư, đại diện Công ty Đồng Thuận cũng giải thích khu vực dự án lúc thu hồi đất không đồng bộ, liền khoảnh mà loang lổ hình da beo nên gây khó khăn cho việc đấu nối, hoàn thiện hệ thống cấp nước, điện, cống thoát nước... làm dự án chậm tiến độ.

UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận điều chỉnh thời hạn hoàn thành toàn bộ dự án đến hết ngày 30-6-2016.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng bao giờ người dân tái định cư ở dự án an tâm với điện nước, chiều 24-2 ông Trần Như Hoàng, giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận, cho biết: “Khu vực dự án hiện chỉ có 60 hộ dân vào ở và gặp khó khăn trong điện nước, nhưng công ty đã kết nối để dân có điện nước sớm nhất.

Chúng tôi gặp khó vì còn 2,9ha ở khu dự án chưa được bàn giao mặt bằng. TP Biên Hòa hứa cuối tháng 3-2016 bàn giao mặt bằng và chúng tôi sẽ hoàn thành dự án như đã gia hạn với tỉnh”.

Hà Mi - A Lộc (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.