Sau quy định không bắt buộc các giao dịch bất động sản phải qua sàn giao dịch, nhiều công ty, văn phòng môi giới địa ốc đua nhau mọc lên ở TP HCM khiến nhiều người lo thị trường này sẽ trở nên rối rắm

Gần đây, trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), công ty môi giới, văn phòng tư vấn giao dịch bất động sản (BĐS) đua nhau mọc lên. Khi khu Đông TP nổi lên như một vùng đất mới với nhiều dự án nhà đất, hàng loạt văn phòng môi giới BĐS cũng theo đó ra đời.

Từ cò thành tổng giám đốc

Trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), đoạn gần đường cao tốc, chúng tôi thấy khá nhiều biển hiệu “nhận ký gửi, tư vấn mua bán BĐS”. Chỉ hơn 1 km trên đoạn đường này, có khoảng 30 văn phòng, công ty môi giới nhà đất.

Chú Hoài, một người chạy xe ba gác chở vật liệu xây dựng cho một cửa hàng ở ngã ba Đỗ Xuân Hợp - Nguyễn Duy Trinh (quận 2), cho biết: “Từ một hai công ty, nay số lượng văn phòng môi giới BĐS ở khu vực này đã tăng gấp 3-4 lần”.

Bất động sản khu Đông TP HCM nhộn nhịp khiến cho hoạt động môi giới ở đây nở rộ Ảnh: Hoàng Triều

Gần đây, nhiều người lập công ty, văn phòng môi giới BĐS do quy định hiện hành khá đơn giản về điều kiện. Nhờ vậy, sau vài năm làm “cò”, không ít người đã lập công ty môi giới BĐS.

Ông Đoàn Chí Thanh, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng Luật Kinh doanh BĐS đã bỏ quy định giao dịch BĐS phải qua sàn giao dịch có điểm tích cực là tạo cơ hội cho người trẻ khởi nghiệp. Tuy nhiên, sau khi luật có hiệu lực, đã có sự chuyển dịch rất lớn về nhân sự môi giới, tư vấn BĐS tại TP HCM. Từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều doanh nghiệp môi giới bị “chảy máu” nhân sự, nhất là những đơn vị lớn.

Theo quy định, chỉ cần 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới là có thể thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Nhiều công ty chỉ có vài nhân viên nhưng người đứng đầu có chức danh đến tổng giám đốc.

Cạnh tranh không lành mạnh

Nhằm giảm chi phí, nhiều công ty mới thành lập thường tuyển nhân viên không có kinh nghiệm và bằng cấp, thậm chí không trả lương. Nhân viên những công ty này sống bằng phí hoa hồng nên rất dễ dẫn đến tình trạng môi giới chụp giật. Trong khi đó, các công ty cạnh tranh quyết liệt bằng cách hạ phí môi giới.

Chủ đầu tư thấy công ty nào có phí thấp thì giao phân phối dẫn đến cạnh tranh không làm mạnh giữa các đơn vị môi giới. “Có công ty môi giới nhận phân phối cho nhiều dự án rồi bán qua bán lại, khó kiểm soát. Ngoài ra, để bán được hàng, nhận tiền hoa hồng, không ít nhân viên môi giới phóng đại quá mức công năng, tiện ích của dự án và cuối cùng khách hàng là người lãnh hậu quả” - ông Thanh nêu thực tế.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho rằng hiện nay, nhân viên môi giới chuyên nghiệp rất hiếm, phần lớn thuộc dạng cộng tác với các công ty phân phối để nhận hoa hồng. Theo ông Quang, số môi giới không chuyên hiện chiếm đến 40%. “Chủ đầu tư nên chọn đơn vị môi giới chuyên nghiệp, nếu không sẽ làm giảm uy tín cho dự án và thương hiệu. Bên cạnh đó, các nhà môi giới cần ngồi lại để đưa ra giải pháp làm lành mạnh hoạt động môi giới. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần kiểm tra tính pháp lý, pháp nhân, nghĩa vụ đóng thuế của các đơn vị môi giới” - ông Trần Khánh Quang kiến nghị

Giám đốc một công ty môi giới BĐS có uy tín ở TP HCM nhìn nhận những đơn vị chuyên nghiệp rất bức xúc về tình trạng môi giới mọc lên tràn lan. Do đó, phải có chế tài để chấn chỉnh hoạt động này.

“Hiện nhiều nơi như Hiệp hội Môi giới Việt Nam đã mở các lớp giảng dạy và cấp chứng chỉ hành nghề nhưng hầu hết học cho có, chứ sau đó, cơ quan quản lý không kiểm tra, giám sát nên rất dễ dẫn đến tình trạng môi giới làm loạn thị trường” - vị giám đốc này bức xúc.

Phạm Đình (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.