Hình ảnh vụ xô xát xảy ra tại chung cư The Era Town sáng 3/1.
Ngày 3/1 vừa qua, một vụ ẩu đã giữa các cư dân và một nhóm “người lạ” đã xảy ra tại chung cư Era Town do Công ty Đức Khải làm chủ đầu tư. Theo lời thuận lại của các cư dân, vụ việc xảy ra vào khoảng 9h sáng ngày 3/1, lúc đó có nhiều cư dân đang mặc áo đồng phục với yêu cầu chủ đầu tư Đức Khải tổ chức hội nghị nhà chung cư thì xuất hiện một nhóm “người lạ” đến gây sự. Sau một hồi tranh cãi, xô xát đã xảy ra, nhóm người lạ lao vào hành hung một số cư dân. Trong đó, có một thanh niên đã bị nhóm người này vây đánh khiến bị thương, chảy máu. Nhiều cư dân đã phải can ngăn để giải cứu cho người thanh niên này.
Bà H, một cư dân cho biết, nhóm người lạ này lần đầu tiên bà mới thấy và họ là những người ở bên ngoài chứ không phải ở trong chung cư. Tuy nhiên, theo báo cáo của chính quyền địa phương thì không hề có chuyện “người lạ” đánh cư dân mà do chính mâu thuẫn của các cư dân tại đây nên dẫn đến xô xát. Được biết, đã nhiều lần các cư dân tại chung cư Era Town tổ chức căng băng rôn, tuần hành yêu cầu chủ đầu tư Đức Khải tổ chức hội nghị nhà chung cư và bàn giao khoản phí bảo trì đang giữ cho ban quản trị.
Theo phản ánh, cuộc đấu tranh giữa các cư dân và chủ đầu tư chung cư Era Town đã kéo dài nhiều năm qua. Xoay quanh vấn đề chủ đầu tư cố tình trì hoãn tổ chức hội nghị nhà chung cư và không chịu bàn giao khoản phí bảo trì lên đến vài chục tỷ cho ban quản trị cư dân. Theo các cư dân, phí bảo trì 2% giá trị căn hộ là tiền của cư dân đóng góp, dùng để duy tu, bảo dưỡng các hạng mục sau khi dự án hết thời hạn bảo hành 60 tháng.
Một góc tại chung cư The Era Town.
Những “cuộc chiến” liên quan đến khoản phí bảo trì chung cư là tâm điểm nóng trong suốt năm 2015 mà đỉnh điểm là cuộc ẩu đã khiến cư dân phải nhập viện diễn ra tại chung cư 4S Riverside (Thủ Đức) vào cuối năm 2015. Mặc dù, trong quy định của pháp luật đã quy định rõ việc quản lý và sử dụng khoản phí bảo trì, nhưng thực tế hoàn toàn không hề đơn giản. Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Nghị định 99 vừa được Chính phủ ban hành đã quy định rất chặt chẽ về quản lý phí bảo trì chung cư. Theo đó, chủ đầu tư phải thành lập một tài khoản riêng để chuyển khoản tiền 2% phí bảo trì vào đó, đây là tài khoản phong tỏa, bỏ vào không được rút ra, cho đến khi có ban quản trị chung cư thì chuyển giao lại cho đơn vị này quản lý. Chính quyền có trách nhiệm cưỡng chế nếu chủ đầu tư không chịu bàn giao khoản phí bảo trì theo quy định. Trong hợp đồng mua bán nhà chủ đầu tư phải nêu rõ số tài khoản, ngân hàng nơi mở tài khoản để khách hàng biết. “Nếu như trước đây, người mua nhà nộp trực tiếp khoản tiền 2% phí bảo trì cho chủ đầu tư, sau đó thì không thể biết chủ đầu tư làm gì với số tiền đó thì bây giờ họ có thể trực tiếp chuyển 2% vào tài khoản hoặc nhờ chủ đầu tư chuyển giùm, nhưng vẫn giám sát được khoản phí này”, ông Khởi nói.
Đại diện một chủ đầu tư cho biết, cách quản lý và sử dụng khoản phí bảo trì chung cư như thế nào thì luật đã quy định rõ ràng. Tuy nhiên, khoản phí này nên để chủ đầu tư và một đại diện của ban quản trị chung cư cùng đứng tên. Làm như vậy, là để đảm bảo có sự giám sát qua lại giữa chủ đầu tư và ban quản trị. “Ban quản trị chung cư là một nhóm người được bầu lên, tuy nhiên không ai đảm bảo những người này không làm bậy. Lỡ họ cầm khoản tiền bảo trì rồi trốn mất thì trách nhiệm sẽ đổ cho ai, quyền lợi của cư dân ai đảm bảo”, vị này nói.