Mảng dịch vụ cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp kinh doanh hiệu quả giúp lợi nhuận của Viglacera đạt hơn 1.200 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023.

Thu về hơn 3.800 tỷ đồng từ mảng bất động sản

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã chứng khoán VGC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.471 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ nhờ doanh thu mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp (KCN) tăng mạnh. Công ty báo lãi sau thuế ở mức 434 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 10.174 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế khoảng 1.200 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022.

Viglacera thu về hơn 3.800 tỷ đồng từ mảng bất động sản KCN trong 9 tháng đầu năm 2023

Ban lãnh đạo Viglacera cho biết, mảng bất động sản đóng góp chính vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, đặc biệt là bất động sản KCN. Mảng này thu về hơn 3.850 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ. Doanh thu từ các dịch vụ liên quan tới quản lý, vận hành các KCN, khu đô thị, chung cư đạt 367 tỷ đồng.

“Việc vốn FDI đăng ký mới tăng và số doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh dẫn đến giá thuê và nhu cầu thuê đất khu công nghiệp từ các doanh nghiệp FDI tăng lên”, Viglacera lý giải.

Đối với mảng vật liệu xây dựng, doanh thu bán hàng các sản phẩm kính, gương đạt 1.500 tỷ đồng, giảm 33%. Trong khi đó, doanh thu từ bán sản phẩm gạch ốp lát mang về 2.512 tỷ trong 9 tháng, giảm không đáng kể so với cùng kỳ.

Doanh thu từ thị trường nước ngoài 9 tháng đạt 33,6 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ. Các sản phẩm gạch ốp lát, kính xây dựng và sứ vệ sinh đều ghi nhận tăng trưởng.

Với kết quả này, Viglacera đã thực hiện được 65% kế hoạch 15.750 tỷ đồng doanh thu và vượt 31% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của Viglacera xấp xỉ 23.606 tỷ, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí xây dựng cơ bản dở dang với hơn 5.400 tỷ đồng từ các dự án như KCN Thuận Thành giai đoạn 1, KCN Yên Mỹ, KCN Phú Hà giai đoạn 1, Khu du lịch sinh thái Vân Hải, KCN Tiền Hải - Thái Bình...

Cuối quý 3, hàng tồn kho của Viglacera đạt gần 4.781 tỷ đồng, tăng 13% so với thời điểm đầu năm và đã trích lập 152 tỷ đồng dự phòng. Đây chủ yếu là thành phẩm (kính, sứ, sen, vòi...) và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Các khoản phải thu ngắn hạn của công ty tăng 39% lên 1.642 tỷ đồng. Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn ở mức 1.590 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Viglacera ở mức 13.565 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 4.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn ghi nhận hơn 2.650 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện, phần lớn là doanh thu nhận trước của hoạt động cho thuê bất động sản ghi nhận doanh thu sau 12 tháng tới.

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 9 vào năm 2022, vốn điều lệ của Tổng công ty Viglacera là 4.483 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP hạ tầng Gelex chiếm 50,21% vốn, còn Bộ Xây dựng 38,58%.

Còn hơn 740 ha đất KCN sẵn sàng cho thuê

Viglacera vốn là "ông lớn" trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, được thành lập từ năm 1974. Trong những năm 2000, doanh nghiệp này bắt đầu rót tiền vào bất động sản và gần đây trở thành lĩnh vực có vai trò dẫn dắt, đóng góp chính vào mức tăng trưởng lợi nhuận.

Viglacera đang sở hữu và vận hành 12 khu bất động sản công nghiệp

Hiện Viglacera đang sở hữu và vận hành 12 khu bất động sản công nghiệp, thu hút 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước với hơn 16 tỷ USD vốn FDI. Đến năm 2025, doanh nghiệp này cho biết sẽ nâng tổng số KCN lên 20, tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000 - 3.000 ha.

Năm nay, ban lãnh đạo Viglacera cho biết sẽ triển khai đầu tư hàng loạt KCN mới tại các địa phương có vị trí có lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư và khả năng kinh doanh. Đồng thời, thành lập các pháp nhân, chi nhánh mới để triển khai các dự án mới như KCN Phù Ninh - Phú Thọ (450 ha/giai đoạn 1 là 150 ha); KCN Phú Hà giai đoạn 2 (100 ha); Khu A KCN Phong Điền - Thừa thiên Huế (120 ha); KCN Đông Triều - Quảng Ninh (425 ha); KCN Hòa Lạc Hữu Lũng - Lạng Sơn (490 ha).

Ngoài ra, Viglacera cũng tham gia nhiều phân khúc gồm khu nghỉ dưỡng, khu đô thị, nhà vườn và chung cư. Thời gian gần đây, doanh nghiệp này dần đẩy mạnh mảng nhà ở xã hội.

Trước đó, Viglacera cho biết đã khởi công xây dựng 2.000 căn hộ thuộc dự án khu nhà ở công nhân KCN Yên Phong (Bắc Ninh) và 1.000 căn hộ tại dự án nhà ở công nhân KCN Đông Mai (Quảng Ninh). Giai đoạn 2022 - 2030, Viglacera lên kế hoạch triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội.

Theo cập nhật trong báo cáo mới đây của Chứng khoán SSI, Viglacera hiện còn khoảng 740 ha đất KCN sẵn sang cho thuê. Đáng chú ý, các KCN của doanh nghiệp này tại Bắc Ninh như Yên Phong IIC, Yên Phong MR, Thuận Thành đều còn diện tích lớn, giá chào thuê cao, cũng như nằm gần tam giác trọng điểm kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 27/10, cổ phiếu VGC hiện dừng ở mức 48.900 đồng/cp.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.