Tầng lớp người tiêu dùng thành thị đang tăng lên và đóng vai trò chính yếu khi vừa là tác nhân tạo ra của cải mà cũng là đối tượng tiêu xài hàng đầu. Đây chính là cơ hội cho mọi nhà kinh doanh có tham vọng trên khắp thế giới.

“Mỏ vàng” từ người tiêu dùng thành thị

Sự tồn tại của các siêu đô thị đã và đang tạo nên những mối quan ngại về phát triển bền vững


Tiềm năng từ người tiêu dùng thành thị

Người ta ước tính chỉ có khoảng 100 thành phố tạo nên 30% nền kinh tế toàn thế giới. Sở hữu mạng lưới quan hệ dày đặc và rất nhiều cơ hội tiềm tàng, những trung tâm này không chỉ phát triển thành những siêu trung tâm sản xuất mà còn là siêu trung tâm tiêu thụ, đóng vai trò như những nam châm thu hút mọi tài năng và sinh ra những phát kiến mới mẻ. Những người tiêu dùng thành thị “nghiện” những gì thức thời, các trải nghiệm mới, sự tự do và các cơ hội lựa chọn không hạn chế. Chẳng hạn, một gia đình bình thường ở Manhattan (Mỹ) tiêu 59% trong tổng số 13.079 USD ngân quỹ dành cho lương thực để đi ăn ngoài, so với một gia đình Mỹ thông thường chỉ tốn 42% trong 6.514 USD ngân quỹ này. (Nguồn: Bundle, 5-2010). Tại Trung Quốc, theo GfK Roper, lối sống của những người tiêu dùng tại các thành phố đã chuyển từ trạng thái “để tồn tại” sang khuynh hướng “tận hưởng cuộc sống”, với 54% theo đuổi một phong cách sống vui vẻ hơn. Còn theo điều tra của Economist Intelligence Unit, chỉ 17% dân thành thị ở Trung Quốc thừa nhận họ “miễn cưỡng xài tiền”.

Kiếm tiền từ người thành thị

Phần lớn các sáng kiến đến từ các thương hiệu rất mạnh hay lâu đời, có uy tín, ảnh hưởng toàn cầu và đòi hỏi phải có vốn rất lớn để thực hiện.

Điểm cao niềm tự hào thành thị

Đánh vào tâm lý người tiêu dùng thành thị là những người kiêu hãnh về các giá trị của mình, đặc biệt là các giá trị mình đang thụ hưởng, các nhà kinh doanh nhanh nhạy sẽ đem lại cho khách hàng của mình những sản phẩm hoặc dịch vụ “đậm chất thành thị”, thật sự nắm bắt được các đặc tính của nơi đó. Nước hoa là một sản phẩm sử dụng cách này phổ biến nhất. Năm 2009, nhãn hiệu DKNY của Mỹ tung ra sản phẩm nước hoa mang tên “Love from New York”. Ngoài ra còn có bộ sưu tập nước hoa mang tên Bond No.9 - địa chỉ tổng hành dinh của công ty tại New York City - gồm ba dòng sản phẩm đặc trưng cho bốn khu vực khác nhau ở New York với mục đích “đánh dấu mỗi khu vực của New York bằng một hương thơm của chính nó”. Ngoài ra còn có các ý tưởng độc đáo khác như sản phẩm nến Cerabella của Tây Ban Nha gồm các loại nến lấy cảm hứng từ các quận khác nhau ở Barcelona, từ La Rambla dến El Raval. Hay ý tưởng của hãng thiết kế Workerman tại Minneapolis cũng rất thú vị. Hãng này đã sáng tạo nên loạt sản phẩm “Thành phố trong lọ”, là những chiếc lọ thủy tinh chứa 600 huy hiệu xinh xắn có in hình những biểu tượng khác nhau của thành phố. Minneapolis là thành phố đầu tiên được “đóng chai”, sau đó là New York, San Francisco… với giá 300 USD một lọ!

“Mỏ vàng” từ người tiêu dùng thành thị

Môi trường đô thị đặt ra nhiều cơ hội mới cho những thương hiệu tiến bộ để làm hài lòng người tiêu dùng
Đặc biệt hơn cả là những sản phẩm mang tính cách thành thị được sản xuất với số lượng có hạn, luôn kích thích ham muốn sở hữu của những người tiêu dùng thành thị sành điệu, và do đó họ không ngần ngại móc túi trả giá cao hơn để có được chúng. Đơn cử là chiếc điện thoại Shanghai Blue của Dior, chỉ được bán tại các cửa hàng nữ trang và đồng hồ ở Thượng Hải với giá 5.500 Euro. Hoặc loại cà phê thượng hạng của Starbuck mới ra mắt vào tháng 8 năm ngoái được bán với số lượng có hạn tại những thị trường trung tâm như New York City, Los Angeles, Washington D.C. và Miami.

Bức tranh phong phú

Được bao bọc bởi lớp áo thành thị, nhiều người tiêu dùng thành thị thiếu thời gian, giàu sự lựa chọn, đã tìm đến các thương hiệu để đem lại cho mình các trải nghiệm đa dạng và tức thời hơn, đặc biệt nếu đó là các thử nghiệm thú vị nhất thời thiên về vật chất hay có tính tương tác. Điển hình là màn trình diễn hình ảnh Ralph Lauren 4D trên mặt tiền các cửa hàng của hãng tại New York và London tháng 10 vừa qua. Các hình ảnh như trôi nổi về phía khán giả, được kết hợp với âm nhạc và hương thơm để tạo hiệu ứng đặc biệt. Tại Liên hoan thiết kế được tổ chức tại London tháng trước đó, Audi đã cho ra mắt 8 cánh tay robot của hãng trong một show trình diễn ở quảng trường Trafalgar, người dùng có thể truy cập lên trang web outrace.org để gửi thông điệp tới các robot, sau đó chúng sẽ được phóng lên không trung bằng đèn LEDs. Gần gũi với giới trẻ hơn nữa, hãng kẹo chocolate Snickers giới thiệu các liên hoan văn hóa đường phố cho thanh thiếu niên tại nhiều thành phố trên khắp nước Nga và Mexico. “Snickers Urbania” đề cao gần như tất cả các lĩnh vực chính của văn hóa đường phố như graffiti, breakdance, beatbox… cũng như khuyến khích các bạn trẻ bộc lộ bản thân và tài năng của mình.

Đô thị gần gũi môi trường

Có một sự thật hiển nhiên rằng, sự tồn tại của các siêu đô thị đã và đang tạo nên những mối quan ngại về ô nhiễm môi trường cũng như việc phát triển bền vững. Trên thực tế, môi trường đô thị đặt ra nhiều cơ hội mới cho những thương hiệu tiến bộ để làm hài lòng những người tiêu dùng thành thị có ý thức cao về môi trường. Trong năm 2011, Trung tâm Sáng tạo của DHL đang hợp tác với một nhóm sinh viên đa ngành tại trường Design Thinking, Postdam để phát triển ý tưởng về một trang mạng xã hội có tên bring.BUDDY. Các thành viên tham gia sẽ đảm nhận việc vận chuyển hàng hóa hay thư từ cho người khác trong khu vực của mình. Bring.BUDDY sẽ phân tích các tuyến đường đi hàng ngày của thành viên và ấn định hàng hóa cho người nào có thể tiện đường đem món hàng đó đến người nhận, vì thế các gói hàng sẽ được vận chuyển bằng cách “tự nhiên” nhất trong thành phố hoặc đến trạm tiếp theo, nơi chúng sẽ tiếp tục được phân phát bởi những người vận chuyển chuyên nghiệp. BMW cũng tuyên bố sẽ đưa dòng xe điện đầu tiên của mình ra thị trường trong năm 2013. Những chiếc xe siêu đô thị (Megacity Vehicle-MCV) này sẽ được phát hành dưới một thương hiệu phụ và là loại xe không khí thải được thiết kế với vật liệu cực nhẹ nhưng có độ bền rất cao, dành riêng cho cuộc sống thành thị.

Tận dụng tính ưu việt

Mệt mỏi với lối sống đông đúc, ồn ào, đầy cạnh tranh tại các siêu đô thị, nhiều người tiêu dùng thành thị chọn giải pháp “chạy trốn” khỏi nơi này trong thời gian ngắn để tìm đến các vùng đồng quê yên tĩnh, tận hưởng thiên nhiên và không khí trong lành. Từ đó, dịch vụ cho thuê các mảnh đất để trồng trọt tại những vùng lân cận của các siêu đô thị được hình thành tại Đức do công ty Meine Ernte khởi xướng. Chi phí bao gồm cả dụng cụ trồng trọt và hướng dẫn từ những nông dân chuyên nghiệp. Sau những giờ thư giãn với thiên nhiên như thế, biết đâu sẽ càng có nhiều những phát kiến mới tuyệt vời hơn nữa nảy sinh?

Còn nếu bạn là người không có khả năng đi khỏi thành phố? Đừng lo, sự thanh bình, yên tĩnh và xanh tươi của làng quê sẽ được mang đến tận nơi cho bạn. Holton Farms là công ty chuyên vận chuyển từ các loại rau củ, thực phẩm thông thường đến rau quả hữu cơ tới tận tay người tiêu dùng là các cư dân New York và Vermont.

Rõ ràng cuộc sống hiện đại ngày càng đặt ra cho con người nhiều thử thách nhưng cũng không ít cơ hội. Sự hình thành nên cộng đồng những người tiêu dùng thành thị, với các đặc tính nổi trội nhất định, chính là một cơ hội vàng cho những ai biết nắm bắt và đáp ứng kịp thời nhu cầu của tầng lớp này. Bạn có thể tự mình nghĩ ra các xu hướng hoàn toàn khác lạ, hay đơn giản là học hỏi những xu hướng kinh doanh mới mẻ nảy sinh liên tục trên thế giới và áp dụng nó ở Việt Nam.

Theo Bao Khanh(Dien Dan Doanh Nghiep)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0