Sau khi xem xét, ngày 14.11, Ngân hàng Nhà nước đã mở van tín dụng cho 4 nhóm bất động sản (BĐS) khi chính thức loại 4 nhóm này ra khỏi tín dụng phi sản xuất. Tuy nhiên, giới xây dựng, kinh doanh BĐS lại tỏ ra kém hào hứng đón nhận động thái này...

Vừa “mở” nhưng lại vừa “thắt”

Vay để mua nhà, sửa chữa nhà; xây nhà thu nhập thấp; nhà cho công nhân và các công trình, dự án nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1.1.2012 là 4 nhóm đối tượng được ngân hàng mở van tín dụng, sẽ không phải áp dụng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 16% từ nay đến hết 31.12.2011.

Có thể thấy động thái này là niềm vui cho nhiều người dân cũng như doanh nghiệp BĐS sau thời gian dài bị ngân hàng “đóng cửa” thì giờ có thể vay để mua nhà, xây nhà hay sửa nhà.


Mở van tín dụng chưa “giải cứu” được thị trường BĐS

Mở van tín dụng không tác động nhiều đến thị trường BĐS. Ảnh: Nguyễn Lê

Đánh giá động thái nói trên của ngành ngân hàng là tốt, song ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng GĐ Cty BĐS Đất lại cho rằng, nó sẽ không có tác động gì đến các doanh nghiệp xây dựng nhà ở thương mại như đơn vị của ông trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Đực, việc quy định nguồn vốn vay để hoàn thiện các dự án phát triển nhà chỉ áp dụng đối với các dự án nhà ở được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng trước 1.1.2012 là không thực tế. Bởi lẽ, theo ông từ nay đến ngày 1.1.2012, chỉ còn hơn một tháng. Nếu quả thực có những dự án kiểu này, thì cũng là những dự án dường như đã xây dựng xong, chỉ còn lại một số việc lau chùi, dọn dẹp, hoàn thiện để bàn giao cho khách hàng. Những dự án dạng này thì đâu cần vốn làm gì nữa, hoặc nếu cần thì khoảng thời gian này chưa đủ để làm thủ tục, chứ nói gì đến chuyện vay?.

Do vậy, ông Đực cho rằng, ngân hàng đã “mở” thì nên tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Có thể áp dụng với các dự án xây dựng dở dang ở mức hoàn thành 70% hoặc những dự án có mức độ xây dựng thấp hơn nhưng khả thi, và thời gian nên kéo ra ít nhất là hết năm 2012.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Trí Dũng, Phó giám đốc Cty Kinh doanh BĐS Viglacera cũng khẳng định, sẽ quá khó để áp dụng vào thực tế khi thời gian áp dụng quy định quá ngắn, chỉ đối với những dự án sẽ hoàn thiện, bàn giao cho khách trước ngày 1.1.2012.

Theo quy định hiện hành, dự án chưa hoàn thiện thì không được phép huy động đủ 100% giá mua căn hộ từ khách hàng mà chỉ đến khi bàn giao nhà cho khách hàng xong mới được thu đủ 100% giá trị căn hộ.

Vì vậy, ông Dũng cho hay, sẽ có một khoảng trống về vốn mà doanh nghiệp rất cần đến sự hỗ trợ, tiếp sức của ngân hàng để hoàn thiện công trình. Thế nhưng, việc mở van tín dụng này lại bị “thắt” bằng quy định thời gian thì chẳng mấy ý nghĩa với các doanh nghiệp BĐS.

Người thu nhập thấp có dám vay?

Ở một quan điểm khác, ông Trương Trí Kiên, Phó Tổng GĐ của Him Lam Thủ đô cho rằng, mặc dù khách hàng cuối cùng cùa nhóm tín dụng được mở van lần này là những người có nhu cầu thực sự nhà ở. Tuy nhiên, quyết định mở van tín dụng này chưa giải cứu được toàn diện thị trường, vì nó mới chỉ gỡ khó cho mảng xây dựng phát triển, tức là thị trường lại tăng cung. Trong khi đó, thị trường hiện nay đang dồi dào cung, còn cầu thì giảm. Để giải mã cho thị trường thì cần phải kiến tạo và phục hồi được cầu. Cầu yếu vì một số lượng lớn khách hàng tham gia thị trường trước đây là nhà đầu tư và đầu cơ, họ đã và đang dời bỏ thị trường BĐS. Chừng nào kinh tế vĩ mô tốt, lạm phát giảm thì thị trường mới khởi sắc được.

Nhiều chuyên gia trong ngành cũng nhận định, động thái mở van tín dụng của ngân hàng cũng sẽ gần như không tác động nhiều đến thị trường BĐS. Bởi lẽ, chủ trương cho vay mua nhà, sửa nhà nhưng lại chủ yếu hướng đến đối tượng có thu nhập thấp, trừ tiền vào lương... Tuy nhiên, điều đặt ra là, với lãi suất vẫn đang khá cao như hiện nay thì những người có thu nhập thấp liệu có dám đi vay không? Chẳng hạn, một người công chức đi vay 100 triệu đồng để sửa nhà thì một năm người vay phải trả lãi 20-24 triệu đồng, đó là chưa kể khoản tiền nợ gốc phải trả kèm.

Theo Nguyễn Lê (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.