22/11/2011 7:00 AM
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) "cởi trói" một phần cho bất động sản (BĐS), theo cả giới chuyên gia, doanh nghiệp (DN), đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là các ngân hàng (NH).

Mở van tín dụng bất động sản, ngân hàng hưởng lợi

Thị trường BĐS chưa có nhiều chuyển biến sau chính sách mở van tín dụng của NHNN - ảnh: Thiên Bảo


Chưa có dấu hiệu tích cực

Dạo một vòng quanh các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn TP.HCM chưa cảm nhận được sự “phấn chấn” của thị trường sau chính sách này.

Ông Ngô Đình Hãn, Giám đốc kinh doanh hệ thống sàn giao dịch địa ốc ACBR, cho rằng đây chỉ là giải pháp tâm lý, giúp DN, khách hàng hào hứng hơn, giải tỏa tâm lý bức bối về tín dụng chứ chưa nói lên được điều gì.

“Phải năm sau chính sách này mới có thể “ngấm” được khi cộng hưởng với việc lãi suất hạ nhiệt và những dấu hiệu bật dậy của nền kinh tế”, ông Hãn nhận định.

Nhận xét về việc "cởi trói" cho nhóm có “nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Hưng Gia Việt, cho rằng đối tượng này chiếm tỷ lệ rất nhỏ bởi công chức hiện nay lương thấp.

Ví dụ để mua một căn nhà trị giá 1 tỉ đồng, nếu vay trong 10 năm với mức vay trung bình hiện nay khoảng 70%/tổng giá trị BĐS thì mỗi tháng tổng tiền cả gốc và lãi phải trả lên tới trên 10 triệu đồng.

Những đối tượng thu nhập từ tiền lương, tiền công không thể kham nổi mức trả nợ này. Vì vậy, quy định nói "tháo" nhưng thực chất khó áp dụng trên thực tế.

Bà Hương cho rằng, giải pháp căn cơ vẫn là lãi suất cho vay phải hạ xuống để khách hàng có khả năng trả nợ. Đồng thời nên có chính sách ưu đãi về lãi suất cho người mua nhà, may ra mới có tác dụng khi nhu cầu vay mua nhà hiện rất lớn.

Ngân hàng hưởng lợi


Khi các đối tượng cần vốn khó tiếp cận quy định mới thì theo các chuyên gia, quy định này sẽ làm lợi cho các NH. Bà Hương phân tích, nhiều NH đang lo sốt vó trước việc đưa hạn mức tín dụng xuống 16% vào cuối năm theo quy định của NHNN. Với quy định này, họ có thể loại 4 nhóm này ra, áp lực đưa hạn mức tín dụng BĐS về đúng chỉ tiêu vào dịp cuối năm sẽ giảm.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Sacomreal, cho rằng chính sách này chủ yếu gỡ cho chính NH theo lộ trình giảm dư nợ tín dụng của BĐS xuống 16% vào cuối năm nay.

Với những NH đang đứng trước nguy cơ không giảm nổi thì đây là một cơ hội tốt. Trong khi đó, đối tượng thực sự là DN, những người cần vốn mua nhà, thị trường BĐS nói chung vẫn không có gì thay đổi. Thị trường vẫn ảm đạm, DN vẫn đang khó khăn, mệt mỏi.

“Nên cho vay đối với những dự án đang triển khai cần vốn. Cho vay mua nhà cũng là mở về mặt cơ chế, nhưng với lãi suất như vậy thì không thể mua. Lãi suất hợp lý để có thể đi vay để mua được nhà từ 10-14%/năm và tốt nhất 6-8%/năm”, ông Thắng đề xuất.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học NH, cũng cho rằng chính sách trên không có nhiều tác dụng đến tính thanh khoản của thị trường BĐS. Lý do là hiện hầu hết NH đã hết hạn mức cho vay. Đó là chưa kể, lãi suất cao như hiện nay, cũng không ai dám vay nữa.

“Loại 4 nhóm đó thì NH sẽ không tạo áp lực với những người đã vay mua nhà trước đó, giúp cho người vay mua nhà đỡ áp lực hơn trong vấn đề trả nợ NH”, TS Dương nhận định.

Theo Thiên Bảo (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.