Dù là địa phương mà người nước ngoài có nhu cầu mua nhà cao nhất trong cả nước, nhưng theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến nay, TP. HCM mới có khoảng 400 trường hợp người nước ngoài được mua nhà ở.
Ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết: “Quy định về điều kiện sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài còn cứng nhắc, nhiêu khê, hạn chế các đối tượng trên tham gia giao dịch, sở hữu nhà ở, gây ra tâm lý lo ngại cho họ khi quyết định mua nhà ở Việt Nam. Vì vậy, phần lớn người nước ngoài, Việt kiều thuê nhà để ở, hoặc nhờ người thân, quen ở Việt Nam đứng tên khi mua nhà, gây ra nhiều khiếu kiện và rủi ro cho Việt kiều, người nước ngoài”.
Sắp tới, Việt kiều sẽ có nhiều điều kiện để sở hữu nhà ở tại Việt Nam - Ảnh: Lê Toàn
Không chỉ bị khép chặt trong Luật Nhà ở, nhiều quy định về mặt dân sự cũng chồng chéo trong các văn bản, gây khó khăn cho cả khách hàng và doanh nghiệp. Ông Phan Thành Huy, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư địa ốc Novaland băn khoăn: “Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa chủ đầu tư và người tiêu dùng phải đăng ký hợp đồng mẫu với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương). Bên cạnh đó, tại Thông tư 16/TT-BXD, Bộ Xây dựng cũng ban hành hợp đồng mẫu đính kèm. Vậy nếu doanh nghiệp sử dụng mẫu do Bộ Xây dựng ban hành thì có cần thiết phải đăng ký hợp đồng mẫu này với Cục Quản lý cạnh tranh hay không? Nếu vẫn phải đăng ký, mà cục này yêu cầu sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều khoản trong hợp đồng mẫu do Bộ Xây dựng ban hành thì phải xử lý thế nào?”.
Lý giải vấn đề này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ có điều chỉnh để phù hợp với hợp đồng mẫu của Bộ Công thương. Đây không phải là vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số doanh nghiệp, việc giải quyết từng trường hợp sẽ mất nhiều thời gian, thay vào đó, quy định này cũng nên thể hiện rõ thống nhất trong các văn bản vì giao dịch nhà ở thuộc hợp đồng dân sự.
Về điều kiện Việt kiều và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Luật Nhà ở sửa đổi sẽ nới rộng tối đa đối với Việt kiều mua nhà ở Việt Nam, còn đối tượng là người nước ngoài sẽ được xem xét mở thêm. Theo đó, Việt kiều đang định cư ở nước ngoài có một trong các loại giấy tờ chứng minh mình là người Việt Nam như đang còn quốc tịch Việt Nam, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh sẽ được mua nhà tại Việt Nam. Đối với Việt kiều không có quốc tịch Việt Nam, nhưng về sinh sống, đầu tư, buôn bán ở Việt Nam cũng được mua nhà. Đối tượng Việt kiều không có quốc tịch Việt Nam và không sinh sống tại Việt Nam sẽ được mua 1 căn nhà và Luật sẽ mở rộng thêm cho đối tượng này.
“Quy định của Luật sửa đổi sẽ nới rộng tối đa cho các đối tượng là Việt kiều, còn quy định đối với người nước ngoài vẫn rất chặt chẽ. 400 người mua nhà như thống kê tại TP. HCM là người nước ngoài, còn nếu tính cả Việt kiều, con số sẽ nhiều hơn rất nhiều. Không nên lẫn lộn giữa khái niệm Việt kiều và người nước ngoài, bởi với người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam không đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà còn nhiều vấn đề khác…”, ông Nam khẳng định và cho biết, Bộ vẫn bảo lưu quan điểm về vấn đề người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam.
Nếu so sánh Việt Nam với các nước láng giềng như Singapore, Malaysia, Thái Lan... thì quy định với người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam có “chặt” hơn, nhưng điều đó là phù hợp. Chẳng hạn như Malaysia quy định, người nước ngoài phải có trên 400.000 USD sẽ được mua nhà tại Malaysia, được cấp thẻ xanh trong 5 năm và chỉ được mua trong các loại nhà cao trên 9 tầng.