Thực hiện tái cấu trúc thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần 3 khóa 11 đưa ra. NHNN bước đầu đã thực hiện một số giải pháp, trong đó tạo điều kiện cho các ngân hàng tiến hành hợp nhất và bước đầu đón nhận thông tin tích cực khi 3 ngân hàng: Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và Sài Gòn tự nguyện tiến hành hợp nhất.

Những kỳ vọng tốt về hoạt động sau hợp nhất của giới đầu tư, người dân trong nền kinh tế và Nhà nước sẽ tạo nên một lợi thế về quy mô và tăng uy tín cho người gửi tiền và ngân hàng.


Tuy nhiên, vấn đề sau hợp nhất được chú ý là việc quản trị ngân hàng. Trong quá khứ, chúng ta đã có những “thuyền trưởng” lèo lái con tàu về đến đích kỳ vọng của nền kinh tế. Do vậy, người để chèo chống ngân hàng sau sáp nhập là ai?


Những chiến lược của họ sẽ như thế nào? Minh chứng trên chỉ để nói rằng, nếu cũng với những con người ấy sau sáp nhập liệu có tiếp tục đưa thuyền “tài chính” ra khơi?


Mở đường tái cấu trúc hệ thống ngân hàng
NH Sài Gòn luôn sẵn sàng nguồn tiền nếu khách hàng cần rút. Ảnh: LÃ ANH

Dẫu biết rằng, hợp nhất sẽ mang lại nhiều lợi thế cho những nhà đầu tư, người dân và nền kinh tế, nhưng vấn đề là cần NHNN công bố những giải pháp thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Thoạt nhìn tái cấu trúc đồng nghĩa với hợp nhất, nhưng sẽ không giải quyết được vấn đề cốt yếu của hệ thống ngân hàng.


Nên xem hợp nhất là một giải pháp thứ yếu để giảm bớt sự thừa thải của hệ thống, tăng quy mô của ngân hàng nhằm tăng tiềm lực tài chính. Chính vì vậy, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nên bắt đầu tư tái cấu trúc đầu ra của hệ thống ngân hàng.


Trước việc NHNN Việt Nam hợp nhất 3 ngân hàng, Fitch Ratings đã đánh giá quyết định này là bước đi tích cực nhằm tăng sức mạnh cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo Fitch Ratings, những ngân hàng được hợp nhất này đều có thời điểm gặp khó khăn về thanh khoản. Việc thiết lập trật tự trần lãi suất huy động nhằm giảm áp lực lạm phát cũng tạo nên áp lực thanh khoản với một số ngân hàng. Vì thế, việc hợp nhất ngân hàng lần này sẽ giúp nâng cao năng lực cho các ngân hàng trước các biến động của nền kinh tế.

FITCH RATINGS

Trên thế giới, qua những cuộc cải cách hệ thống ngân hàng, các ngân hàng trung ương tiến hành gia tăng và minh bạch hóa hoạt động cung ứng vốn vào nền kinh tế. Tách biệt hoạt động đầu tư tài chính, ủy thác đầu tư sang công ty quản lý tài sản để ngân hàng trung ương quản lý. Hoạt động này luôn được báo cáo giá trị tài sản ròng (NAV).


Hiện nay NHNN Việt Nam vẫn chưa giám sát được dòng vốn ra trong nền kinh tế của hệ thống NHTM. Khi giám sát được dòng vốn ra trong nền kinh tế, các cuộc cải cách hệ thống ngân hàng tiếp theo thường chú ý đến hai yếu tố: tính thanh khoản (liquidity) và an toàn vốn (enhanced risk-based capital) theo tinh thần của hiệp ước Basel III, nhằm giải quyết vấn đề trong khủng hoảng và tăng tính an toàn trong hoạt động dài hạn.


Chi tiết các cuộc cải cách của mỗi nước đều có những tên gọi của đạo luật, như ở Hoa Kỳ là đạo luật Dodd-Frank, ở Anh và EC đều có cùng tên là Financial Reform…


Thiết nghĩ, hợp nhất các ngân hàng sẽ có lợi cho toàn cục nền kinh tế, nhưng đây sẽ không là giải pháp trọng tâm của hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, điều cần thiết cho nền kinh tế là tinh thần Basel III được đáp ứng thì hệ thống ngân hàng mới phát triển bền vững.

TS. Lê Đạt Chí
Trường Đại học Kinh tế TPHCM
Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh