Ngày 10/4, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh An Giang đánh giá kết quả đấu giá mỏ cát tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, là quá bất thường. Bởi nếu tính giá cát là 67.500 đồng, nhân với trữ lượng 2,4 triệu m3 (được khai thác tối đa là 12 năm, mỗi năm 200.000 tấn) thì số tiền đấu giá tới 2.811 tỷ đồng là không hợp lý.
Với cách tính trên, theo ông Trí, doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra khoảng 145 tỷ đồng là có thể nhận quyết định trúng đấu giá. Tỉnh hiện có 6 mỏ cát với 10 đơn vị khai thác và các lần đấu giá trước không đạt giá cao đột biến như thế.
Hoạt động khai thát cát trên sông Tiền tại An Giang. Ảnh: An Phú.
"Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có đủ năng lực thì họ có quyền đấu giá cao nhất để giành quyền khai thác và tỉnh phải công nhận họ trúng đấu giá", ông Trí nói.
Theo quy định, sau khi các đơn vị đo đạc, đánh giá lại trữ lượng chính thức và làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan chức năng sẽ cấp phép khai thác. Nếu trữ lượng thực tế nhiều hơn 2,4 triệu m3, số tiền doanh nghiệp phải nộp sẽ tăng lên.
Trước đó, mỏ cát trên sông Hậu ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, ước tính trữ lượng là 1,5 triệu m3 có giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, một doanh nghiệp ở Đồng Tháp đã đấu giá 273 tỷ đồng để giành quyền khai thác.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng việc đấu giá có dấu hiệu bất thường nên đã chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, rà soát, tính toán lại, tránh trường hợp đấu thầu "ảo". "Mấy ngày qua, sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp vẫn chưa liên hệ với tỉnh. Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể và khi nào họ nộp đủ tiền vào ngân sách theo quy định thì tỉnh mới tính kế hoạch sử dụng số tiền này", ông Bình nói.
-
"Đắng lòng" vụ chủ đầu tư dự án 5.000 tỷ khai thác cát không phép ở Bà Rịa - Vũng Tàu
CafeLand – UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa gửi công văn KHẨN về việc khai thác khoáng sản không phép tại dự án Khu nghỉ dưỡng Free Land, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc của Công ty cổ phần Free Land.