Trên
trang Web của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lúc 16h đã đăng tải thông tin
của Cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước tại Đà Nẵng về việc thanh
kiểm tra Phòng giao dịch Sơn Trà của Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB)
chi nhánh Đà Nẵng bởi có thông tin cơ quan này vi phạm qui định huy
động lãi suất.
Theo đó, cơ quan thanh tra cũng đã kết luận không có dấu hiệu vi phạm của chi nhánh ngân hàng này và khẳng định việc chấp hành đúng qui định về mức lãi suất huy động tối đa 14% bằng đồng Việt Nam và đô la Mỹ theo đúng Thông tư 02 và 04 của NHNN.
Như vậy tính đến thời điểm này, các ngân hàng trong danh sách “nghi án” theo phản ánh của đường dây nóng của NHNN đều đã được minh oan, một số tổ chức tín dụng tại Hài Phòng, TPHCM vẫn chưa có kết luận chính thức.
Một số ngân hàng có tên trong danh sách “nghi án” vượt trần lãi suất đã được thanh tra Ngân hàng Nhà nước “minh oan” (Ảnh minh hoạ)
Trước đó, trong chiều tối qua (12/9) và sáng nay (13/9), một loạt các ngân hàng có chi nhánh tại các tỉnh như: Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) chi nhánh Ninh Bình, Agribank chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội),…cũng đã được Thanh tra của ngân hàng Nhà nước thanh kiểm tra các khoản tiền gửi, phải thu, phải trả, chiết khấu giấy tờ có giá, và phát sinh trong hai ngày 8/9 và 9/9 và kết luận không có dấu hiệu lách luật .
Theo nguyên Thống đốc ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm, việc “xé rào” lãi suất của các ngân hàng thương mại lâu nay không phải là chuyện hiếm, chưa muốn nói là thường xuyên. Do khó khăn về vốn huy động cũng như thanh khoản nên việc thỏa thuận ngầm với khách hàng diễn ra từ một ngân hàng thì đồng loạt các ngân hàng khác đều sẽ đua theo.
Ông Kiêm cũng cho rằng, việc “chạy đua” lãi suất ai cũng biết, nhưng vấn đề là ở cơ quan thanh kiểm tra, có chỉ định ngân hàng này vi phạm, ngân hàng kia vượt rào…nhưng bộ phận thanh tra ngân hàng không “công nhận” vì chưa có bằng chứng xác thực thì ai có thể “xử” được các ngân hàng vi phạm.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng đang trông đợi việc tìm ra và xử lý nghiêm một ngân hàng TMCP nào vi phạm để có thể làm “gương” cho các ngân hàng khác.
“Vì nếu ngân hàng vi phạm có thể sẽ châm ngòi cho cuộc đua lãi suất vì vậy phải xử lý nghiêm khắc. Trước đây, chúng ta còn chưa xử lý nghiêm khắc các qui định cũng chưa sát với thực tế khiến hiện tượng trên tái diễn nhiều lần. Hiện nay, các chế tài xử lý cụ thể hơn và quyết liệt hơn điều đó sẽ làm cho các ngân hàng không thể vi phạm”, ông Kiêm cho biết.
Danh sách các ngân hàng bị tố lách trần lãi suất được đăng tải trên W ebsite Ngân hàng Nhà nước sáng hôm qua (12/9). Tuy nhiên, ít phút sau thông tin này bị gỡ khỏi trang W eb. Theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây mới là danh sách phản ánh qua được dây nóng, chưa qua thanh tra, kiểm tra thực tế, vì vậy phải rút bản tin xuống./.