Trong khi lạm phát tăng cao, giá vàng “nhảy múa” từng giờ, tín dụng thắt chặt, việc kéo được khách hàng đến với mình lúc này là chuyện không dễ với các chủ đầu tư BĐS.
Minh bạch trong kinh doanh BĐS còn hạn chế
Ảnh minh họa. nguồn internet.

Tính minh bạch chưa cao

Nguồn cung trên thị trường hiện khá dồi dào nhưng nếu xét trên hiệu quả đầu tư thì không phải dự án nào cũng được như lời quảng cáo. Thậm chí, có khá nhiều dự án chậm tiến độ đã khiến khách hàng mất lòng tin dẫn đến việc những người có nhu cầu nhà ở thật sự vẫn khó tiếp cận được với nhà cung cấp hoặc nếu có phải qua trung gian với mức chênh lệch cao.


Hạn chế lớn nhất của thị trường bất động sản Việt Nam là tính minh bạch hạn chế trong tất cả các khâu, từ đầu tư, tạo lập BĐS đến giao dịch, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê. Điều đó lý giải vì sao trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang chạy đua trong việc minh bạch hóa các khâu trong quá trình giao dịch, để tạo tâm lý tin cậy cho người mua nhỏ lẻ cũng như các nhà đầu tư lớn.


Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, nếu so với 10 năm trước, môi trường đầu tư vào lĩnh vực BĐS ở Việt Nam hiện đã được cải thiện hơn. Điều này thể hiện qua việc Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản qui phạm pháp luật quan trọng để điều chỉnh hoạt động của thị trường…


Tuy nhiên, cơ chế chính sách, quy trình thủ tục đầu tư của Việt Nam có điểm còn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, làm cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn mất nhiều thời gian để nghiên cứu, thích ứng với thị trường … Công tác qui hoạch xây dựng đô thị còn chưa theo kịp tiến trình phát triển của đất nước, hầu hết các dự án BĐS lớn vẫn phải theo cơ chế "xin - cho", điều chỉnh quy hoạch. Chưa có cơ chế cung cấp thông tin thị trường BĐS một cách hữu hiệu.


Đặc biệt, các chính sách về tài chính chưa tạo được một hành lang thông thoáng như mong muốn. Chưa có cơ chế tài chính BĐS phù hợp để thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam phát triển. Thị trường BĐS cần phải liên thông với thị trường vốn, trong khi đó hệ thống ngân hàng chưa sẵn sàng cho vay dài hạn, lãi suất cho vay trung hạn vẫn còn rất cao, dẫn đến thiếu vốn cung cấp cho thị trường BĐS…


Một điểm nữa là hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, những dự án phát triển BĐS vẫn tập trung ở khu vực trung tâm đô thị, chưa phát triển được ra vùng ngoại ô, vì vậy làm giảm sức hút và qui mô của thị trường BĐS…


Hệ lụy từ đầu cơ và làm giá


Thông tin về thị trường BĐS không phản ánh đúng thực tế là do tình trạng giao dịch ngầm, đầu cơ nhà đất, kích cầu ảo để nâng giá BĐS, từ đó làm tăng độ rủi ro trong kinh doanh BĐS, giá nhà ở diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như giá trị thực của BĐS.


Sự phát triển thiếu cân đối trong các loại hình nhà ở gây nhiều khó khăn cho người có nhu cầu thực tiếp cận được với sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư loại nhà cao cấp dẫn đến thị trường căn hộ cao cấp rơi vào bão hòa, nhà xây nhiều trong khi nhu cầu thực và khả năng thanh toán không cao. Trong khi đó, nguồn cung nhà giá thấp, có quy mô và giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân lại quá thiếu. Thống kê cho thấy, loại hình nhà ở cho thuê chỉ chiếm 6.5% tổng nhà ở, trong đó tỷ trọng nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị là 13.6%. Không minh bạch thị trường BĐS cũng là kết quả của việc cung - cầu không cân đối, dẫn đến tình trạng "kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra" trong vấn đề nhà ở như hiện nay.


Trong khi nguồn vốn cho thị trường chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và tiết kiệm của người dân. Nguồn tín dụng trung, dài hạn hầu như không có, lãi suất vay ngắn hạn quá cao nên khi ngân hàng siết chặt cho vay đã tác động tới kế hoạch triển khai dự án, thậm chí có dự án dừng thi công, gây lãng phí, giảm nguồn cung cho thị trường. Thậm chí, có dự án lách luật, huy động vốn ứng trước của khách hàng thông qua hình thức hợp đồng góp vốn kinh doanh hoặc hợp đồng vay vốn đầu tư; lừa đảo khách hàng khi huy động vốn vào các dự án không khả thi, đã dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp căng thẳng làm méo mó thị trường.


Nghiêm trọng hơn là hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo tin đồn, đám đông còn diễn ra phổ biến. Các "cơn sốt" đất khu vực phía Tây Hà Nội hay ở Sóc Sơn, Đông Anh.. vừa qua đã cho thấy bài học “xương máu” của tình trạng thị trường bị một số nhóm đối tượng thao túng. Trong thời gian ngắn, giá đất tại các khu vực này tăng mạnh do môi giới, đầu cơ đất đai lợi dụng cơ hội "làm giá" để trục lợi.


Theo các chuyên gia địa ốc, việc thị trường còn thiếu minh bạch sẽ còn gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong bối cảnh tín dụng khó khăn. Việc chủ động được nguồn vốn triển khai, tránh tình trạng lỗi hẹn bàn giao dự án, đồng thời tìm mọi cách hỗ trợ tài chính cho người mua, sẽ là một nhân tố quan trọng để thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay.


Bên cạnh đó, để tạo lợi thế trong cạnh tranh, doanh nghiệp cũng cần chú trọng vào khâu kiểm soát quy trình bán hàng tại sàn giao dịch BĐS, nhằm giúp nhận biết được những khách hàng có nhu cầu thực sự để tư vấn giúp họ lựa chọn những sản phẩm phù hợp nhất.

Theo Thảo Nguyên (Tầm nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland