20/05/2022 9:44 PM
Quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được các địa phương thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguên tổ chức thực hiện để sớm trình phê duyệt.

Có ý kiến cho rằng, một khi quy hoạch này được phê duyệt sẽ kích hoạt làn sóng đầu tư mới tại các địa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thị trường bất động sản.

Các tỉnh, thành khu vực Miền Trung - Tây Nguyên hiện đang triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Khẩn trương lập quy hoạch

Quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong các quy hoạch quan trọng. Đây là cơ sở để chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, phân bổ đất đai trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất,...

Quy hoạch còn là cơ sở để các địa phương định hướng những dự án đầu tư công thuộc danh mục ưu tiên đầu tư và cả những dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên thu hút đầu tư.

Thời gian qua, khi trực tiếp đi công tác tại các tỉnh thành trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức lập Quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo chất lượng.

Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng yêu cầu tỉnh này tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch để cụ thể hóa các chủ trương, định hướng tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch quan trọng của tỉnh gồm Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040; đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch đô thị mới tại huyện Cam Lâm.

Đây được xem là một trong số nhiều nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022 mà tỉnh Khánh Hòa phải triển khai thực hiện.

Hay tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Trong đó có việc tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý 3/2022; góp phần hoàn thiện hệ thống Quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch vùng.

Tầm quan trọng của quy hoạch sử dụng đất trên còn được nhấn mạnh hơn khi Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ trong vòng chưa đến một tháng đã ban hành hai công văn chỉ đạo liên quan đến vấn đề này.

Cụ thể, ngày 26/4/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 2133/BTNMT-TCQLĐĐ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai, hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trước ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Mới đây, ngày 16/5/2022, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân ký Công văn số 2581/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc một số giải pháp tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai, hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 cấp tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Song song với đó là công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ trong hệ thống quy hoạch, bao gồm quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có liên quan; đảm bảo tỉnh đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ giữa quy hoạch sử dụng đất quốc gia với quy hoạch tỉnh, giữa quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; giữa kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Một dự án của Tập đoàn Vingroup tại Quảng Nam Ảnh: Lê Phước Bình

Kích hoạt làn sóng đầu tư

Quy hoạch cấp tỉnh tại các địa phương một khi được phê duyệt sẽ kích hoạt làn sóng đầu tư tại các địa phương trong cả nước. Trong đó có thể kể đến một địa phương thuộc khu vực Miền Trung - Tây Nguyên như thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 9/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Theo đó, chỉ tiêu phân bổ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 tỉnh Quảng Nam có 940.744 ha đất nông nghiệp; 112.526 ha đất phi nông nghiệp; 58.100 ha đất khu kinh tế; 84.943 ha đất xây dựng đô thị.

Trong tổng số diện tích đất phi nông nghiệp nêu trên, Quảng Nam có 3.524 ha đất khu công nghiệp; 39.239 ha đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng sắp tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng vừa phát đi thông tin lấy ý kiến của người dân về dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo báo cáo sơ bộ lần 6 về Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc lập quy hoạch phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của cả nước. Định hướng chiến lược là xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố đáng sống, thông qua tập trung phát triển 3 trụ cột chính.

Trụ côt thứ nhất là phát triển du lịch và các dịch vụ liên kết với du lịch gắn với mũi nhọn du lịch và dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Trụ cột thứ hai là trung tâm trung chuyển và xuất khẩu hàng hóa vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung tập trung vào hai lĩnh vực mũi nhọn cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và chế xuất và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Trụ cột thứ ba là kinh tế tri thức - nền tảng để phát triển hai lĩnh vực mũi nhọn công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số, theo kịp và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tập đoàn Novaland đang nghiên cứu lập quy hoạch dự án hơn 32.000 ha tại hồ Đắk Long Thượng, Lâm Đồng

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, chỉ tiêu phân bổ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 có 907.154 ha đất nông nghiệp; 70.478 ha đất phi nông nghiệp; 106.356 ha đất đô thị. Trong tổng số diện tích đất phi nông nghiệp nêu trên, Lâm Đồng có 538 ha đất khu công nghiệp; 31.901 ha đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia.

Hiện tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 25/4 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng phát đi Công văn số 867/STNMT-QLĐĐ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh về việc rà soát, đề xuất danh mục dự án ưu tiên đầu tư để đưa vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đất giao thông có 109 dự án, trong đó có tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, dự án nâng cấp cảng hàng không Liên Khương.

Đối với đất thương mại dịch vụ có 8 dự án, trong đó có khu du lịch hồ Đại Ninh 3.595 ha, khu du lịch hồ Prenn 1.000 ha, khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng 3.980 ha, khu thương mại dịch vụ gắn với sân bay Liên Khương...

Về đất ở có 43 dự án quy mô diện tích 8.484 ha. Trong đó đáng chú ý là Khu đô thị Liên Khương - Prenn quy mô 3.500 ha, Khu đô thị phi nôm Thạnh Mỹ quy mô 2.505 ha, Khu đô thị Nam sông Đa Nhim quy mô 150 ha...

Trong khi quy hoạch của TP. Đà Nẵng và tỉnh Lâm Đồng đang mở ra con đường phát triển mới cho các địa phương thì quy hoạch tỉnh Khánh Hòa cũng không kém phần đặc biệt.

Theo chỉ tiêu phân bổ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa có 392.095 ha đất nông nghiệp, 121.704 ha đất phi nông nghiệp, 150.000 ha đất khu kinh tế, 51.090 đất đô thị.

Hiện quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đang được xây dựng với tầm nhìn dài hạn, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch khu vực Nam Trung Bộ.

Quy hoạch sẽ có sự kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa thành thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy bản sắc đô thị biển - đảo - sông - núi; quy hoạch đô thị theo hướng thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thời gian gần đây, nhiều tập đoàn tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản đã tìm đến những vùng đất phát triển mới để tìm kiếm cơ hội đầu tư, trong đó có Tập đoàn Vingroup, Sun Group và Novaland.

Các tập đoàn này đã đến các đô thị Cam Lâm, Cam Ranh, khu kinh tế Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa để nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô lớn.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Sun Group và Novaland cũng đã có nhiều đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô lớn tại tỉnh Quảng Nam, đồng thời đề xuất tài trợ lập quy hoạch nhiều dự án quy mô lớn tại tỉnh Lâm Đồng.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.