Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa kiến nghị Bộ Tài chính siết lại toàn bộ cơ chế miễn thuế và miễn kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ qua thương mại điện tử (TMĐT). Kiến nghị này được đánh giá là đúng lúc, phản ánh rõ lỗ hổng trong một chính sách vốn mang tính hỗ trợ nhưng đang bị lợi dụng ở quy mô lớn.
VCCI kiến nghị đánh thuế toàn diện với hàng nhập giá rẻ qua TMĐT. Ảnh minh hoạ
Chính sách đúng, nhưng đã lạc nhịp
Theo quy định hiện hành, hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua TMĐT được miễn thuế và miễn kiểm tra chuyên ngành. Chính sách này từng được xây dựng để hỗ trợ người tiêu dùng cá nhân và giảm tải thủ tục hành chính.
Nhưng giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh số lượng đơn hàng xuyên biên giới lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm, cơ chế này đã không còn phù hợp. Nếu không điều chỉnh, Việt Nam có thể trở thành điểm đến của hàng giá rẻ không kiểm soát, khiến thị trường nội địa bị bóp méo và doanh nghiệp Việt bị đẩy ra ngoài cuộc chơi. Thay vì bảo vệ người tiêu dùng, cơ chế miễn thuế hiện nay đang bị khai thác để trốn nghĩa vụ thuế, né kiểm định chất lượng một cách có hệ thống.
VCCI đã đề xuất ba giải pháp trọng tâm: Thứ nhất, xóa bỏ ngưỡng miễn thuế cố định dưới 1 triệu đồng để tránh tình trạng chia nhỏ đơn hàng né thuế.
Thứ hai, đơn giản hóa biểu thuế bằng cách phân nhóm hàng hóa theo công dụng, thay vì áp mã HS chi tiết. Thứ ba, chuyển từ quản lý đơn hàng sang quản lý theo người bán. Người bán xuyên biên giới có tổng đơn vượt ngưỡng sẽ phải kê khai thuế, chịu kiểm tra.
Các đề xuất của VCCI được nhiều ý kiến đánh giá là phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời cũng tiệm cận xu hướng quản lý TMĐT hiện đại mà nhiều nước đã áp dụng.
Các đề xuất của VCCI được nhiều ý kiến đánh giá là phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời cũng tiệm cận xu hướng quản lý TMĐT hiện đại mà nhiều nước đã áp dụng. Ảnh minh hoạ
Cần một hàng rào chính sách mới
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty Vina Heaway, một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo nội địa chia sẻ rằng, doanh nghiệp từng đẩy mạnh bán hàng qua sàn TMĐT, nhưng hiện buộc phải rút khỏi nhiều nền tảng.
“Chúng tôi không thể cạnh tranh nổi. Hàng Trung Quốc vào ồ ạt, không kiểm định, không thuế, không giấy phép. Trong khi doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ đủ quy trình công bố chất lượng, kiểm nghiệm mẫu, chịu thuế. Chính sách đang ưu ái hàng ngoại quá mức, còn hàng Việt thì bị ràng buộc đủ đường”, ông Nguyễn Duy Phương nói.
Theo ông Phương, nếu chính sách không được siết lại, không chỉ doanh nghiệp nội địa mất chỗ đứng, mà người tiêu dùng cũng đối mặt với rủi ro từ hàng hóa trôi nổi.
Đồng quan điểm, nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts đánh giá, việc miễn thuế và miễn kiểm tra chuyên ngành cho hàng giá trị nhỏ là chính sách đặc thù, cần kiểm soát nghiêm.
“Miễn thuế không sai, nhưng nếu để chính sách bị lợi dụng thì vô tình tiếp tay cho hành vi lách luật. Việc chuyển sang quản lý theo người bán là hợp lý và đúng xu hướng quốc tế. Quan trọng là phải sửa ngay từ cơ chế, chứ không thể chỉ xử lý ở khâu thực thi.
Các kiến nghị của VCCI hoàn toàn có tính khả thi, cần được lắng nghe để không chỉ bịt kẽ hở ngân sách, mà còn phục hồi năng lực kiểm soát hàng hóa xuyên biên giới, điều mà hệ thống pháp lý hiện nay đang ngày càng hụt hơi”, luật sư Nhung nêu quan điểm.
-
Thị trường 25 tỷ USD và bài toán nhân lực cho thương mại điện tử Việt Nam
Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đã vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023 và chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Song hành với đó là nhu cầu lớn về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực.
-
Đề xuất miễn thuế hàng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử từ 1 triệu đồng trở xuống
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghi định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
-
Bất động sản bán lẻ trước cơn lốc thương mại điện tử: Liệu có sống sót hay bị xoá sổ?
Thương mại điện tử đang bùng nổ với tốc độ chóng mặt, tái định hình thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các nhà bán lẻ cần định hình và xây dựng mô hình bán lẻ đáp ứng thói quen mua sắm mới của người tiêu dùng.







