Nhức nhối ở khu trung tâm
Những ngày cuối năm 2013, chỉ cần dạo một vòng quanh khu vực các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân (TP. Hà Nội) có lẽ không ai không giật mình ngao ngán vì sự hoang phí tột độ nguồn tài nguyên đất đai.
Bởi lẽ, trong khi hàng nghìn hộ dân thủ đô khốn khổ để tìm một chỗ học cho con vì quá thiếu trường học; hầu hết các khu dân cư đều thiếu các khu vui chơi hay sinh hoạt cộng đồng thì một diện tích vô cùng lớn đất vàng ngay giữa lòng thủ đô lại đang chỉ để nuôi cỏ.
Quay trở lại thời điểm cách nay từ 5 – 7 năm, những "điểm vàng" về đất đai thuộc các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân liên tiếp đón nhận các đại gia lừng lẫy trong nhiều lĩnh vực đua nhau tụ họp về khu vực này để xây dựng các cao ốc, trung tâm thương mại.
Cùng với đó, hàng loạt dự án “siêu khủng” được vẽ ra với tham vọng làm thay đổi bộ mặt của thủ đô đồng thời cũng là dịp để các đại gia này thi nhau “khoe” tầm vóc và sự giàu có của bản thân.
Đã có không ít mỹ từ được “lạm dụng” trên hầu hết các diễn đàn kinh tế trong nước dành cho các siêu dự án trên. Thậm chí không ít người còn ví khu vực này sẽ trở thành những trung tâm tài chính kinh tế lớn nhất Việt Nam với quy mô tương tự kiểu như New York, Hồng Kông hay Ma Cau…
Thế nhưng cho đến nay, đã gần một thập kỷ trôi qua, đằng sau những lời ca tụng và sự “lạc quan tếu” về các siêu dự án thậm chí cả tỉ đô là hàng trăm ngàn mét vuông “đất vàng” bị bỏ hoang làm nơi cho cỏ mọc lút đầu, bãi phế thải hoặc dùng để “tiêu khiển” tạm thời với sân bóng mini, bãi rửa xe… mọc lên như nấm.
(Khu đất vàng trên đường Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm đã thành bãi trông xe. Ảnh: PV)
Có thể dễ dàng điểm mặt một số khu đất vàng bị bỏ hoang với diện tích lớn trong danh mục hàng triệu mét vuông đất hoang hóa này tại Hà Nội.
Mảnh đất hoang giữ vị trí quán quân chính là dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính với diện tích lên đến 132.000m2.
Tọa lạc trên đường Hoàng Minh Giám, giáp 2 mặt đường Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, đây được coi là một trong những khu đất có vị trí đẹp nhất thủ đô. Dự án được thành phố Hà Nội giao đất từ tháng 3/2011 tuy nhiên, đã gần 3 năm nay khu đất này vẫn bị bỏ hoang.
Kế ngay sau đó là dự án khách sạn 5 sao và Nhà hát lớn Thăng Long tại xã Mễ Trì, Từ Liêm với diện tích 70.000m2. Được thành phố bỏ ra hơn 100 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng từ 2008 nhưng đến nay vẫn đang được dùng tạm làm nơi kinh doanh sân bóng mini, bãi rửa xe….
Một khu đất khác nằm cạnh dự án Công viên hồ điều hòa, với diện tích rộng hơn 50.000 m2, ngay mặt đường Trần Duy Hưng (đối diện siêu thị Big C) là dự án của Vinaconex, vốn vẫn được coi là một trong những cánh chim đầu đàn về xây dựng của Việt Nam.
Hiện dự án vẫn nằm im, cỏ mọc cao quá đầu người, hàng rào quay tôn chỉ còn trơ nguyên khung sắt đã hoen rỉ. Đứng trên tầng 3 của siêu thị Big C nhìn xuống, khu đất vàng giáp 4 mặt đường lớn đã tạm “thi công” vài hạng mục như sân bóng mini, bãi đỗ xe ô tô.
Danh sách đất hoang còn trải dài với những cái tên khác như: Dự án Lotus Hotel 40.000m2, lô đất kí hiệu NT1 thuộc KĐT Đông Nam Trần Duy Hưng, diện tích gần 20.000m2; Dự án Nam Đàn Plaza 10.000m2 trên đường Phạm Hùng; Ô đất 5.000m2 cuối đường Trần Thái Tông của Vietcombank…
Ngoài ra, còn rất nhiều các dự án khác từ vài trăm tới vài nghìn m2 cũng đang bỏ hoang ngay giữa Thủ đô đang cùng gây nên tình trạng lãng phí đất lớn chưa từng có.
Và cả khu vực ngoại vi
Tình trạng bỏ hoang đất không chỉ nghiêm trọng ở khu trung tâm mà dường như còn khủng khiếp hơn tại các khu vực ngoại vi. Bởi lẽ, chỉ vài năm trước đây, hàng trăm nghìn héc ta (ha) “bờ xôi ruộng mật” của người dân đã được chuyển sang cho các chủ đầu tư với kỳ vọng về việc hình thành các "trục đô thị" tráng lệ xứng tầm khu vực.
Tuy nhiên, đến nay các dự án này hoặc “mất hút” hoặc vẫn chỉ “trên giấy”.
(Những cánh đồng hoang la liệt ở các khu vực ngoại thành Hà Nội. Ảnh: PV)
Đi dọc Quốc lộ 32 hay đại lộ Thăng Long, có thể dễ dàng nhìn thấy số lượng đất bỏ hoang không còn ở phạm vi hàng nghìn mét mà đã lên tới diện tích của cả “những cánh đồng thẳng cánh cò bay”.
Sau giai đoạn ồ ạt lấy đất nông nghiệp để dành đất phát triển các dự án đủ thể loại, do kinh tế gặp khó khăn đã khiến các khu đô thị không thể mọc lên như “tưởng tượng” mà người nông dân cũng không thể tiếp tục canh tác sản xuất trên những thửa ruộng cũ do đất lẫn cát đá cùng với cỏ dại um tùm.
Cánh đồng hoang có diện tích “khủng” nhất phải kể đến là bãi hoang tàn của dự án Khu đô thị Splendora do Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh, liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C Hàn Quốc làm chủ đầu tư.
Đây là dự án đã tốn khá nhiều giấy mực của báo chí cũng như sự chú ý của dư luận, hiện theo quy hoạch dự án đã được khởi công giai đoạn 2. Tuy nhiên, nhiều khu vực của "siêu dự án" rộng hơn 260ha này vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang.
Dự án chung cư cao cấp Diamond Tower cũng đồng cảnh ngộ. Ban đầu, dự án do Công ty cổ phần bất động sản Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC Land) làm chủ đầu tư, sau 2 lần chuyển nhượng các chủ đầu tư sau vẫn không thể thi công. Sau nhiều lần trì hoãn khởi công, đến nay dự án vẫn bị bỏ hoang.
Các dự án thuộc huyện Mê Linh và các huyện khác ngoại thành Hà Nội cũng nằm trong tình cảnh tương tự.
Theo khảo sát của phóng viên BizLIVE, toàn huyện Mê Linh hiên có tới 50 dự án với tổng diện tích lên đến 14.394m2 vẫn còn đang trong tình trạng hoang hóa hoặc được người dân sử dụng tạm bợ để trồng trọt.
Hầu hết các dự án này đều được phê duyệt trước thời điểm huyện Mê Linh được sáp nhập về Hà Nội (tức tháng 8/2008).