Khu đô thị Tân Tây Đô hiện có giá dao động trong khoảng 13-14 triệu đồng/m2
Áp lực tài chính đang đè nặng lên vai các chủ đầu tư khi các khoản thanh toán nhà thầu, đáo hạn ngân hàng cận kề. Để có nguồn thu về tài chính giải tỏa áp lực này, nhiều chủ đầu tư đã tiếp tục mở bán phần sản phẩm còn lại, mở bán sản phẩm mới và tiếp tục hạ giá sản phẩm.
Hôm qua (29/11), Tập đoàn Hà Đô tiếp tục mở bán căn hộ hoàn thiện nội thất Dự án Hado Park View thuộc Khu đô thị mới Dịch Vọng với giá 22,7 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT). Đây là mức giá điều chỉnh khá bất ngờ so với lần mở bán trước có giá từ 26,3 triệu đồng/m2.
Dự án chung cư Skylight (125D - Minh Khai, Hà Nội) do Tổng công ty Cơ khí Xây dựng làm chủ đầu tư cũng đang được mở bán nốt những căn cuối cùng với phương thức thanh toán linh hoạt và nhiều chính sách ưu đãi dành cho khách hàng. Ở đợt mở bán lần này, chủ đầu tư đưa ra mức giá 20,2 triệu đồng/m2 (đã có VAT và nội thất) với các diện tích từ 96,7 m2. Theo đại diện Sàn giao dịch bất động sản Coma 18, đơn vị phân phối độc quyền chung cư Skylight, khách hàng sẽ được chiết khấu 8% trong đợt đóng tiền đầu tiên khi mua căn hộ. Khách mua căn hộ cũng được hưởng chính sách hỗ trợ từ BIDV với mức cho vay 60% giá trị căn hộ, thời hạn 15 năm, lãi suất năm đầu tiên là 12%.
Một dự án khác tại quận Cầu Giấy là Dự án Star Tower, chủ đầu tư là Công ty CFTD - VLA cũng mới công bố điều chỉnh giá xuống 31,2 triệu đồng/m2, chưa bao gồm thuế VAT. Trước đó, mức giá chào bán của dự án này khoảng 40 triệu đồng/m2.
Ở khu vực ngoại thành, Dự án Phúc Thịnh Tower của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát nằm trong Khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) hiện do Đất Xanh miền Bắc phân phối có giá dao động trong khoảng 13 - 14 triệu đồng/m2.
Dự án Unimax ở Hà Đông trước đây có giá hơn 20 triệu đồng/m2, nhưng đầu tuần này, đơn vị phân phối Dự án là Công ty Bất động sản Phi Long đã chính thức công bố mức giá bán mới chỉ từ 13,2 triệu đồng/m2.
Theo GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, việc giảm giá bất động sản cuối năm là hiện tượng bình thường và cũng là theo quy luật thị trường. Khi chủ đầu tư dự án đến hạn trả nợ ngân hàng, thì việc doanh nghiệp phải giảm bớt lợi nhuận, giảm giá để mong bán được sản phẩm là điều tất yếu xảy ra. Thậm chí, trước sức ép kỳ hạn của ngân hàng, hay để tái đầu tư ở các dự án khác mà thị trường vẫn đóng băng, thì doanh nghiệp còn phải chấp nhận bán hòa, hoặc dưới giá để thu hồi vốn.
Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam cho rằng, xu hướng giảm dần giá bán là chuyện tất yếu tại nhiều dự án trên địa bàn toàn Thành phố, vì nguồn cung hiện tại vẫn liên tục tăng, trong khi sức mua chưa có dấu hiệu khởi sắc. Các chủ đầu tư buộc phải giảm giá để giảm áp lực tài chính, tăng tính thanh khoản cho dự án. Các chủ đầu tư phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức nhằm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt và tính cạnh tranh cao về mức giá, vị trí.
Động thái hàng loạt dự án giảm giá trong dịp cuối năm được các chuyên gia đánh giá là dịp để chủ đầu tư tìm kiếm khách hàng, thu thêm một khoản tài chính để giảm áp lực đáo hạn cuối năm. Đây cũng là thời điểm khá thích hợp để hút nguồn vốn nhàn rỗi để hút nguồn tiền tiết kiệm, tiền thưởng cuối năm từ khách hàng.
Tuy nhiên, các chủ đầu tư cũng cần biết rằng, đây là dịp họ sẽ gặp phải hai sự cạnh tranh trên thị trường trong việc tận thu nguồn vốn từ khách hàng cuối năm. Thứ nhất, các chủ đầu tư sẽ gặp sự cạnh tranh giữa các chủ đầu tư với nhau khi cùng bung ra một lượng hàng lớn, trong cùng một thời điểm và đều cạnh tranh về mức giá. Thứ hai, các chủ đầu tư sẽ chịu sự cạnh tranh của các nhà đầu tư thứ cấp bán cắt lỗ, các ngân hàng phát mại tài sản.
Như vậy, thị trường bất động sản cuối năm 2012 sẽ hứa hẹn một cuộc đua khá khốc liệt về mức giá khi các chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp, ngân hàng giành nhau nguồn vốn từ khách hàng. Đây sẽ là dịp mang lại nhiều cơ hội cho người mua khi họ có nhiều lựa chọn để sở hữu một căn nhà với mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu chi trả của mình.
-
Bất động sản 2013 tiếp tục trì trệ?
Năm 2012 chuẩn bị khép lại, cục diện thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam hiện vẫn chưa thoát cảnh “chợ chiều”. Giải quyết tồn kho và hướng mở thông thoáng về tài chính là những giải pháp cấp bách mà các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS đề ra, nhằm tìm cơ hội để thị trường BĐS năm 2013 có kỳ vọng khởi sắc.<br/br>
-
Dự án “treo” - treo mãi đến bao giờ
Những năm qua, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tập trung ở nhiều địa phương trong cả nước bung ra như nấm sau mưa, hàng ngàn ha đất ruộng bị thu hồi, nhiều tỉnh còn “xé rào”, trải thảm đỏ mời gọi đầu tư. Song, do kinh tế suy thoái, nhiều KCN, CCN hiện đang để đất hoang hóa, nhiều dự án được cấp phép đầu tư nhưng chậm triển khai dẫn đến tình trạng dự án “treo”, trong khi người dân thiếu đất sản xuất.