Tiền gửi không kỳ hạn của VPB là 18,8%, thuộc nhóm thấp trong ngành ngân hàng.
Tháng 4.2021, VPB đã công bố hoàn thành thương vụ chuyển nhượng 50% phần góp vốn tại FECredit (FEC) cho SMFG và VCI với mức định giá 2,8 tỷ USD. Thương vụ dự kiến sẽ đem về cho VPB khoảng 1,4 tỷ USD và giúp tăng vốn chủ sở hữu của VPB lên khoảng 48%.
Ngoài ra, MBS cho biết, theo trao đổi với chuyên gia ngành ngân hàng, VPB cũng có kế hoạch phát hành thêm 15% cho cổ đông chiến lược trong năm 2021 - 2022. Dự kiến, nguồn vốn mới sẽ giúp VPB có được cơ sở để được nới room tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước. MBS kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng của VPB sẽ đạt mức trên 20% cho những năm sau 2022.
MBS nhận định, sự tham gia của Sumitomo vào FEC sẽ giúp VPB củng cố được vị trí số 1 về thị phần cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2021, cho vay tiêu dùng tại FEC đạt 61.000 tỷ đồng (tăng 1,8% so với cùng kỳ) vẫn giữ vị trí số 1 về thị phần cho vay tiêu dùng. “Với việc làn sóng dịch Covid-19 bùng phát vào quý II/2021, mảng cho vay tiêu dùng bị ảnh hưởng, nhưng chúng tôi kỳ vọng tín dụng tiêu dùng sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong quý IV/2021, thời điểm dịch Covid được kiểm soát và người dân gia tăng chi tiêu bù vào thời gian cách ly cũng như các hoạt động lễ hội cuối năm”, báo cáo của MBS viết.
Hiện tại, theo MBS, tỷ lệ CASA (Tiền gửi không kỳ hạn - một loại hình gửi tiết kiệm ngân hàng mà khách hàng có thể chủ động với khoản tiền của mình (gửi, rút tiền mặt nhiều lần và hưởng lãi suất không kỳ hạn) của VPB là 18,8% thuộc nhóm thấp trong ngành ngân hàng. Với chiến lược mở rộng sang mảng cho vay bán lẻ, MBS kỳ vọng, VPB sẽ thực hiện chiến lược nâng tỷ trọng CASA trong cơ cấu huy động để đạt khoảng 20% trong năm 2026.
6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPB đạt 9.037 tỷ đồng (tăng 37,2% so với cùng kỳ), dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 34,5%. Trong giai đoạn 2017-2020, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của VPB giảm lại do Ngân hàng chủ động trích lập dự phòng nhằm kiểm soát tỷ lệ nợ xấu đến từ hoạt động cho vay tiêu dùng. Biên lãi ròng (NIM) trong 6 tháng 2021 của VPB đạt 9,15%, cao hơn mức 8,8% tại thời điểm cuối năm 2020 nhờ chi phí vốn thấp. MBS kỳ vọng NIM của VPB sẽ gia tăng trong những năm tiếp theo, đạt 9,56% năm 2021 và 10,12% năm 2022 nhờ chi phí huy động vốn giảm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12.8, giá cổ phiếu VPB chốt phiên ở mức giá gần 62.000 đồng/cổ phiếu.
Với những đánh giá trên, MBS định giá cổ phiếu VPB với mức giá mục tiêu 86.900 đồng/cổ phiếu, dựa trên 2 phương pháp Thu nhập thặng dư (RI) và so sánh P/B và P/E. MBS sử dụng chi phí sử dụng vốn cổ phần (Re) ở mức 12,8% cho phương pháp RI và mức P/B 2,2x cũng như P/E 13.3x cho phương pháp định giá tương đối (so sánh P/B và P/E).