27/08/2011 12:53 AM
Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải vay vốn bằng tiền đồng trong nước với lãi suất 20% - 25%/năm. Thế nhưng, một kênh quan trọng là vay vốn nước ngoài với lãi suất thấp hơn nhiều lại chưa thể tận dụng được do có quá nhiều quy định cản trở.
Mất cơ hội huy động vốn nước ngoài

Thế nào là doanh nghiệp nước ngoài?


Theo Luật sư Trần Anh Đức (TP Hồ Chí Minh), hiện tại việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ nước ngoài là rất quan trọng, vì các công ty ở ngoài Việt Nam có thể vay vốn với lãi suất dưới 5%/năm và họ đã tích cực hỗ trợ các công ty con tại Việt Nam thông qua việc cho vay lại giữa công ty mẹ và công ty con. Thế nhưng, việc cho vay này lại đang gặp phải một số rào cản.


Rào cản pháp lý đầu tiên phải kể đến định nghĩa về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo Luật Đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần. Với quy định như vậy thì chỉ cần bán 1 cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đã bị coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngay lập tức bị hạn chế gia nhập thị trường theo cam kết WTO, bị giới hạn khi tham gia kinh doanh phân phối sản phẩm. Thực tế: một doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam (Mekophar) đã bị từ chối không được phân phối dược phẩm vì có cổ đông nước ngoài đã mua 4% cổ phần. Mekophar đã phải tính đến quyết định hủy niêm yết, loại bỏ cổ đông nước ngoài để có thể kinh doanh phân phối dược phẩm. Quy định về hạn chế gia nhập thị trường theo cam kết WTO là nhằm mục đích áp đặt hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam nhưng đã vô tình gây thiệt hại nặng nề cho chính doanh nghiệp Việt Nam.


Thực tế, Nghị định 102/2010/NĐ -CP của Chính phủ ngày 1.10.2010 khẳng định: doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 49% cổ phần được áp dụng các điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư trong nước tức là doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng: dường như quy định tiến bộ này đã không đi vào thực tế. Nếu Nghị định 102 được áp dụng, Mekophar đã không phải xin hủy niêm yết và sẽ không cần phải xin Giấy chứng nhận đầu tư khi nhà đầu tư nước ngoài sở hữu dưới 49% cổ phần.


Trước tình hình thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã lựa chọn niêm yết để dễ dàng tiếp cận các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài lại không dễ dàng tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam vì yêu cầu phải xin được cấp Mã số giao dịch chứng khoán - thực chất là 1 loại giấy phép. Để có giấy phép này, nhà đầu tư nước ngoài phải chuẩn bị một bộ hồ sơ phức tạp, bao gồm các giấy tờ pháp lý về việc thành lập đối với nhà đầu tư là tổ chức và lý lịch tư pháp đối với nhà đầu tư là cá nhân (tài liệu tiếng Anh phải được hợp pháp hóa lãnh sự và tiếng Việt phải có xác nhận của công chứng Việt Nam) để gửi lên Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam để xin cấp Mã số giao dịch chứng khoán. Phải mất thời gian từ 1 - 2 tháng để chuẩn bị hồ sơ và xin được cấp Mã số giao dịch chứng khoán. Thủ tục này đã làm nản lòng nhiều nhà đầu tư nước ngoài có ý định tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.


Mất cơ hội vì thế chấp


Có những doanh nghiệp nặng gánh với lãi suất cao đã tính đến giải pháp đi vay vốn nước ngoài với lãi suất thấp để trả nợ trước hạn khoản vay trong nước với lãi suất cao. Tuy nhiên, quy chế quản lý vốn vay nước ngoài yêu cầu mục đích của các khoản vay nước ngoài là để phục vụ dự án đầu tư đã được phê duyệt. Ngân hàng Nhà nước sẽ không cho đăng ký khoản vay nước ngoài với mục đích để trả nợ trước hạn cho khoản vay trong nước. Một số chuyên gia cho rằng, trong trường hợp này, luật pháp Việt Nam đã tước mất một cơ hội cơ cấu lại khoản nợ cho doanh nghiệp Việt Nam.


Vay vốn nước ngoài còn gặp khó khăn bởi quy định thế chấp lỗi thời của Luật Đất đai khi không cho bên cho vay nước ngoài được nhận thế chấp đối với quyền sử dụng đất và nhà xưởng. Quy định hạn chế thế chấp xuất phát từ lo ngại: thế chấp bất động sản cho bên cho vay nước ngoài sẽ dẫn đến việc đất đai bị nước ngoài kiểm soát và Nhà nước sẽ mất quyền quản lý với đất đai. Đúng là có rủi ro, nhưng đây là rủi ro có thể kiểm soát để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng: thế chấp không có nghĩa là bán đất cho nước ngoài.


Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát việc thế chấp thông qua: cơ chế đăng ký thế chấp; yêu cầu việc thế chấp phải thông qua một ngân hàng hoạt động tại Việt Nam; khi xử lý tài sản bảo đảm thì phải chuyển nhượng bất động sản cho một pháp nhân hoặc công dân Việt Nam. Thực tế, Nghị quyết 09/2001/NQ-CP ngày 28.8.2001, Chính phủ đã từng ra nghị quyết về việc nghiên cứu các giải quyết yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thực hiện dự án lớn ở Việt Nam. Trong đó, có điều kiện cần thế chấp giá trị quyền sử dụng đất đã được giao hoặc cho thuê dài hạn để vay vốn của các tổ chức tín dụng hoạt động ở nước ngoài trong trường hợp các tổ chức tín dụng ở Việt Nam không có khả năng đáp ứng nhu cầu vốn. Đến nay, thế chấp bất động sản cho bên cho vay nước ngoài vẫn không được phép.

Theo Hải Dương (Đại biểu nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.