10/10/2011 6:39 AM
Tình hình không mấy lạc quan của thị trường bất động sản đã khiến các đơn vị kinh doanh mặt bằng bán lẻ có nhiều hoạt động kích cầu sôi động.

Mặt bằng bán lẻ tìm đường thoát
Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại TP.Hà Nội trong quý III/2011 lên tới 463.000m2. Ảnh: Đức Thanh.

Nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại TP. Hà Nội trong quý III/2011 đã ghi nhận sự gia nhập mới của hai trung tâm Pico Plaza và Hàng Da Galleria với tổng diện tích 12.000 m2, nâng tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ của TP.Hà Nội lên khoảng 463.000 m2.

Điều này đã khiến cạnh tranh ở phân khúc cho thuê mặt bằng bán lẻ ngày càng quyết liệt. Nhất là khi những khó khăn của nền kinh tế đã tác động sâu sắc đến lĩnh vực bán lẻ khi hơn 20% siêu thị, siêu thị điện tử, điện lạnh ở quận Hoàn Kiếm, quận Đống Đa phải đóng cửa. Ngay cả Trung tâm thương mại Grand Plaza hoạt động được không lâu cũng phải “đóng cửa để nâng cấp”.


Theo đánh giá của các công ty quản lý bất động sản, doanh thu bán lẻ hàng hóa kỹ thuật trong quý III giảm khoảng 7% so với quý II đã tác động lớn đến doanh thu của các đơn vị kinh doanh, buộc các chủ đầu tư phải tìm mọi cách để giữ chân khách.


Báo cáo của Công ty Coldwell Banker Vietnam cho hay, cùng với tình trạng đóng băng của toàn thị trường bất động sản cả nước, phân khúc mặt bằng bán lẻ cũng đang có dấu hiệu giảm sút nhiều cả về giá thuê lẫn tỷ lệ lấp đầy. Do kinh tế Việt Nam hiện đang tăng trưởng khá chậm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn cũng như doanh thu nên có tình trạng hạn chế việc mở rộng chi nhánh bán lẻ tại các khu vực trung tâm thành phố.


Trong khi đó, nguồn cung vẫn tiếp tục gia tăng. Công ty Savills Việt Nam cho hay, trong 4 năm tới, Hà Nội sẽ có tổng cộng 1,6 triệu m2 mặt bằng bán lẻ. Đang khẩn trương để sớm hoạt động trong cuối năm nay và trong đầu năm tới là hàng loạt trung tâm thương mại có quy mô lớn như Vincom Center Long Biên, Hapro Building, Indochina Plaza. Thực tế này càng tạo ra sự cạnh tranh lớn để tìm được người thuê mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại, không kể mới vào hay đang hoạt động.


Đối mặt với thực trạng này, nhiều chủ đầu tư đã đưa ra hàng loạt các chiêu thức để hút khách. Hang Da galleria dù nằm trong trung tâm quận Hoàn Kiếm và vừa mới vào hoạt động trong quý III, nhưng đã nhanh chóng ra mắt các dịch vụ chăm sóc, khuyến mãi phong phú như thay đổi liên tục cách trưng bày tại các gian hàng để tránh sự nhàm chán cho khách mua sắm, ưu đãi lớn dành cho thẻ thành viên để sớm lấp đầy diện tích cho thuê và kéo khách hàng tới với trung tâm. Ở một số trung tâm mua sắm khác như Pico Plaza hay Vincom Center, việc tích hợp thêm các dịch vụ siêu thị, rạp chiếu phim hoặc khu vui chơi cũng là những giá trị cộng thêm cho khách hàng khi tới đây.


Dẫu vậy, cơ hội cho các trung tâm bán lẻ còn rất nhiều. Theo ông Troy Griffiths, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Định giá Công ty Savills Việt Nam, trong tương lai gần, nhu cầu mua sắm tại các trung tâm thương mại tại Việt Nam vẫn tăng mạnh do Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, năng động và vẫn có những đà phát triển tốt. Cộng thêm nữa là thu nhập bình quân đầu người tại các thành phố lớn tăng nhanh cũng như thói quen mua sắm của người dân đang chuyển hướng dần từ kênh bán lẻ truyền thống sang kênh hiện đại sẽ kích thích sự phát triển của các trung tâm thương mại.


Dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường TNS cũng cho rằng, doanh số bán lẻ của Việt Nam có thể tăng trưởng 23%/năm từ nay tới hết năm 2014. Điều này cho thấy, dù thị trường mặt bằng bán lẻ đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng có thể sẽ sớm được giải quyết trong ngắn hạn khi nền kinh tế “vượt bão” thành công.

Theo Hữu Tuấn (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.