Cụ thể, ở khu vực trung tâm ngoại trừ các mặt bằng có vị trí đắc địa vẫn giữ giá 74-95 USD mỗi m2 một tháng, các khối đế bán lẻ đã giảm 1,8% so với 3 tháng trước, còn 47 USD mỗi m2 một tháng.
Trong khi đó, ở rìa trung tâm, giá thuê mặt bằng bán lẻ rớt 2-3% ở tất cả các phân khúc bán lẻ hiện đại. Giá thuê khối đế bán lẻ, trung tâm thương mại và khu mua sắm tổng hợp giao dịch ở mức 16,18-38,2 USD mỗi m2 một tháng. Riêng tỷ lệ trống của thị phần này cũng tăng 5-7%. Điểm sáng duy nhất là thị phần mặt bằng dành cho ẩm thực và cửa hàng tiện lợi vẫn sôi động.
Theo CBRE, ngoại trừ một số tòa tháp thương mại có vị trí đắc địa hút khách, đa phần mặt bằng bán lẻ ở các trung tâm thương mại đang chịu áp lực giảm giá để hút khách thuê. Ảnh: Vũ Lê.
Quản lý cấp cao Bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE, bà Ngọc Lê cho biết, các nhà bán lẻ không thực sự đóng cửa ngừng kinh doanh. Họ chỉ chuyển mặt bằng, dịch chuyển khỏi nơi có phí thuê đắt đỏ ở khu trung tâm, chọn những tuyến phố thương mại ở rìa trung tâm có giá cạnh tranh hơn. Bà Lê cho rằng, sự dịch chuyển của các nhà bán lẻ cho thấy mức giá thuê ngất ngưởng không còn được chấp nhận. Nguyên nhân sâu xa là do lượng khách mua sắm ít.
Ngoài ra, chuyên gia này còn trích dẫn khảo sát của Công ty GfK (Grow from Knowledge) rằng những vấn đề kinh tế đã xuất hiện và chiếm vị trí hàng đầu trong danh sách mối quan tâm của người tiêu dùng Châu Á Thái Bình Dương. Theo đó, người tiêu dùng đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh tồn tại nhiều lo ngại về suy thoái kinh tế, thất nghiệp và giá cả leo thang.
Dự báo của CBRE, tốc độ tăng thu nhập hàng tháng của Việt Nam đã chậm lại và giảm từ 55% (năm 2008) xuống còn 32,8% (năm 2012) theo Tổng Cục thống kê; cùng với tỷ lệ cho thuê mặt bằng bán lẻ giảm, thị trường này sẽ chỉ tăng trưởng trở lại sau khi kinh tế phục hồi.