05/10/2012 8:58 PM
Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu, thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và Tp.HCM vẫn tiếp tục gặp khó khăn, trong đó xu hướng đóng cửa đang có dấu hiệu gia tăng.

Tỷ lệ trống của nhiều trung tâm thương mại tại Hà Nội và Tp.HCM vẫn ở mức cao

Báo cáo mới nhất của CBRE Việt Nam về thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội nhìn nhận, điểm sáng của phân khúc này trong quý vừa qua là việc Indochina Plaza Hanoi (IPH) đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là trung tâm thương mại đầu tiên khai trương trong năm 2012, bổ sung khoảng 17.000 m2 sàn cho thị trường.

Giá thuê tại các trung tâm thương mại khu vực ngoài trung tâm tăng khoảng 11% so với quý trước. Tuy nhiên, kèm với đó là tỷ lệ trống lại tăng ở cả khu vực trong và ngoài trung tâm do nhiều khách thuê đóng cửa và người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu.

Khảo sát của CBRE Việt Nam cho thấy, xu hướng đóng cửa các trung tâm thương mại, mặt bằng bán lẻ nhiều hơn mở mới vẫn tiếp diễn trong quý vừa qua. Cụ thể, trong số 168 cửa hàng, trung tâm mở mới, đóng cửa hay đang hoàn thiện, thì số lượng đóng cửa chiếm đến 48%, trong khi số lượng mở mới chỉ có 39%.

Kết quả là tỷ lệ trống trong khu vực trung tâm tăng xấp xỉ 5%, trong khi ngoài trung tâm chỉ tăng nhẹ, đạt xấp xỉ 16,8%. Nguyên nhân chính vẫn là do dự án IPH mới khai trương đầu tháng 9 nên tỷ lệ trống vẫn khá lớn.

Dự kiến thị trường sẽ đón nhận thêm khoảng 650.000 m2 mặt bằng bán lẻ từ nay cho tới hết năm 2013. Dự báo của CBRE cho rằng, với những dự án mới đi vào hoạt động, đặc biệt là những dự án nằm ngoài khu vực trung tâm sẽ phải đối mặt với khó khăn trong 2 - 3 năm đầu hoạt động do áp lực cạnh tranh gay gắt cũng như xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng dự đoán vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Trong khi đó, một khảo sát của Savills Việt Nam tại Tp.HCM cũng cho kết quả tương tự. Theo đó, tổng nguồn cung thị trường bán lẻ tại Tp.HCM vào khoảng 678.000 m2, giảm nhẹ 0,7% so với quý trước. Khoảng 12.000 m2 diện tích bán lẻ đã đóng cửa, trong khi chỉ có 8.000 m2 gia nhập thị trường trong quý này. Khu vực nội thành có nguồn cung bán lẻ lớn nhất, tiếp theo là khu vực ngoại thành và khu vực trung tâm.

Giá thuê và công suất thuê trung bình đều giảm nhẹ so với quý trước. Sức mua không tăng nhiều so với quý 2/2012; nhiều trung tâm bán lẻ, đặc biệt là các trung tâm mua sắm có tình hình hoạt động không tốt. Công suất thuê trung bình toàn thị trường giảm 1% trong khi giá thuê trung bình giảm 2% so với quý trước.

Theo Savills, loại trừ yếu tố lạm phát, doanh thu bán lẻ của Tp.HCM tăng 7,7% nhưng lại thấp hơn chút ít so với cùng kỳ năm trước (7,9%). Mức tăng trưởng thực tế thấp của doanh thu bán lẻ cho thấy sức mua vẫn ở mức thấp và thị trường vẫn đang trong tình trạng khó khăn.

Từ năm 2013 trở đi, khoảng 1,4 triệu m2 diện tích bán lẻ mới sẽ gia nhập thị trường Tp.HCM, trong đó khoảng 100.000 m2 diện tích bán lẻ có thể gia nhập thị trường trong quý 4/2012. Các quận 1, 2 và 7 có nguồn cung tương lai lớn nhất trong tất cả các quận. Nguồn cung tương lai của ba quận này chiếm 62% tổng nguồn cung tương lai của thành phố.

Tuy nhiên, vẫn còn một tín hiệu vui đối với các nhà đầu tư mặt bằng bán lẻ là các nhà bán lẻ nước ngoài vẫn tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch kinh doanh, chẳng hạn như Parkson vừa hoàn tất bản hợp đồng với CT Group để khai trương trung tâm thương mại mới tại Léma CT Plaza tại Tp.HCM vào tháng 6/2013, hay tập đoàn AEON cũng cam kết đầu tư 109 triệu USD để xây trung tâm thương mại AEON – Tân Phú Celadon tại Tp.HCM vào năm 2014…

Theo Bảo\
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.