15/07/2011 1:13 AM
Dự án Thanh Hà – Cienco 5, dự án Vân Canh (Hoài Đức) là hai trong số những dự án bất động sản quy mô lớn. Thế nhưng đi kèm với sự nổi tiếng là những “tai tiếng” khi hàng loạt vụ lừa đảo quy mô lớn xảy ra tại những dự án này.

Dự án Thanh Hà – Cienco 5 (Hà Đông- Thanh Oai) bao gồm hai khu đô thị Thanh Hà A - Cienco 5 có diện tích 195,51ha, thuộc các xã Phú Lương (thành phố Hà Đông) và xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). Khu đô thị Thanh Hà B - Cienco 5 có diện tích 193,22ha, thuộc các xã Phú Lương, Kiến Hưng (thành phố Hà Đông) và xã Cự Khê (huyện Thanh Oai).


Dự án do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) đầu tư theo hình thức BT ( xây dựng – chuyển giao), trong đó chuỗi đô thị Thanh Hà được UBND tỉnh Hà Tây giao Cienco 5 đầu tư để hoàn vốn cho dự án đường. Tổng số tiền đầu tư cho hai khu đô thị lên đến gần 10 ngàn tỷ đồng.


Mặc dù dự án mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng nhưng từ đầu năm ngoài, nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm mua các lô liền kề, biệt thự tại dự án này. Trong số đó, đã có hơn 200 khách hàng đã đặt tiền mua đất cho công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1/5 với tổng cộng khoảng hơn 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền khách hàng, công ty 1/5 đã không lấy được hàng và mất khả năng thanh toán số tiền khách hàng đã nộp. Vụ việc đi vào hồi kết ngày 21/4/2010, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án. Sau đó gần 5 tháng, chiều ngày 7/9/2010, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và bà Nguyễn Thị Kim Thoa, kế toán trưởng Công ty.


Vụ việc này đã gây chấn động dư luận đặc biệt giới đầu tư bất động sản bởi thiệt hại quá lớn về tài sản cho các nhà đầu tư.


Ngay tiếp sau vụ “đổ bể” tại dự án Thanh Hà, tại dự án Vân Canh cũng đã liên tiếp xảy ra 5-6 vụ việc tương tự khi một số công ty môi giới, sàn bất động sản đã bán khống đất dự án Vân Canh.


Cụ thể, ngày 20/6/2011, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46) Công an thành phố Hà Nội, đã bắt tạm giam Lê Thị Kim Oanh (ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tài liệu điều tra, cuối năm 2009, Oanh đã nhận 2,6 tỷ đồng tiền đặt cọc của một người ở huyện Từ Liêm để bán lại 4 lô đất liền kề tại Khu đô thị mới Vân Canh với giá 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên khi Oanh không thực hiện được cam kết, nạn nhân không đòi lại được tiền nên đã tố cáo hành vi chiếm đoạt 2,6 tỷ đồng của Oanh.

Tiếp đó, một số nhà đầu tư cũng có đơn khiếu nại gửi cơ quan báo chí phản ánh do không tìm hiểu kỹ, ông V.P (ở quận Thanh Xuân) và ông N.T.H (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) đã nộp 400 triệu đồng cho 1 sàn BĐS tại tòa nhà 34T khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội để công ty này giao dịch mua hộ ông hai lô đất ô số 31 - LK 38 có diện tích 100m2 thuộc dự án khu đô thị mới Vân Canh do HUD8 làm chủ đầu tư với giá giao dịch là 4,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận thông báo đóng tiền HUD 8, các khách hàng mới phát hiện việc đặt cọc nhầm cho sàn bất động sản này bởi sàn này không có hợp tác trong việc phân phối dự án HUD 8 vì vậy không có chức năng nhận đặt cọc khách hàng.


Nghiêm trọng hơn, cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà Nội đã bắt Đặng Thị Kim Dung liên quan đến việc làm giả hợp đồng của CTCP Tasco để lừa đảo người mua dự án Vân Canh gần 40 tỷ đồng.


Trước đó, dự án Dương Nội B của Tập đoàn Nam Cường cũng bị một số đối tượng làm giả hồ sơ, giấy tờ để lừa đảo khách hàng. Theo tài liệu cơ quan công an, Tạ Tất Toàn - sinh năm 1975, trú tại số 24/42, ngõ Chùa Hưng Ký, đường Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần đầu tư phát triển Đài Việt cùng đồng bọn đang sử dụng tài liệu giả, ký hợp đồng bán 1 lô đất tại dự án Dương Nội, quận Hà Đông, TP.Hà Nội cho khách hàng để chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng.


Từ vụ việc xảy ra có thể thấy thủ đoạn các đối tượng luôn tìm đến dự án lớn thuộc tập đoàn bất động sản tên tuổi, sau đó lợi dụng để “dụ” khách hàng mua để chiếm đoạt tiền.


Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ đổ bể này là do nguồn cung dự án quá ít trong khi lượng cầu lớn. Mặc dù, Bộ xây dựng đã có quy định về việc giao dịch qua sàn bất động sản mà trong số chủ đầu tư dự án trên cũng đã thành lập sàn giao dịch riêng nhưng vì lượng chào bán khá nhỏ giọt vì vậy ít khách hàng có thể mua trực tiếp từ chủ đầu tư. Hầu hết họ phải đi đường vòng qua các vài “cầu”, mỗi cầu tăng lên vài giá khiến nhà đầu tư thiệt thòi. Hơn nữa, cũng chính vì khó tiếp cận được với chủ đầu tư để lấy được thông tin nên nhiều khách hàng đã dễ dàng “sập bẫy” các cò đất để rồi dẫn đến hậu quả nặng nề về tài chính.


Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh các chủ đầu tư đặc biệt tại dự án Vân Canh khi liên tiếp xảy ra các vụ "đổ bể" lớn trên thị trường. Nếu như không có các biện pháp cụ thể như công khai minh bạch thông tin, kiểm soát nguồn hàng tốt hơn,... thì nguy cơ "vệt dầu loang" ngày càng lớn. Nó sẽ không chỉ gây thiệt hại cho khách hàng mà còn gây ảnh hưởng lớn đến uy tín chính các ông chủ dự án.

Theo Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.