Tòa nhà Keangnam từng xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động.
Bên cạnh những vụ lừa đảo về bất động sản liên tục được phát hiện trong thời gian gần đây, thì những xung đột, thậm chí dẫn tới khiếu kiện giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư đang cho thấy một góc độ khác, một mảng tối trên thị trường bất động sản bắt đầu lộ ra.
Hàng nghìn mảnh giấy đã được in ra và được Ban đại diện lâm thời chung cư Keangnam (Hà Nội) phát tới 900 hộ dân trong tòa nhà nhằm kêu gọi đoàn kết trước những động thái bất hợp lý của chủ đầu tư.
Còn chủ đầu tư thì trước sức ép của cư dân, phải miễn cưỡng tổ chức cuộc gặp mặt, nhưng buổi làm việc đã nhanh chóng bị phá vỡ do mục tiêu kỳ vọng của hai bên vào buổi làm việc này quá khác nhau.
Bên cạnh những vụ lừa đảo về bất động sản liên tục được phát hiện trong thời gian gần đây, thì những xung đột, khiếu kiện giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư đang là một mảng tối dần lộ ra khi thị trường rơi vào trạng thái ảm đạm như hiện nay, khi không còn cái bóng sốt ảo phủ lên “tâm lý đám đông” của người mua như vài năm trước đây.
Niêm yết giá bán nhà bằng USD, hay kín kẽ hơn thì thanh toán bằng Việt Nam đồng nhưng quy đổi theo tỷ giá USD. Bàn giao nhà chậm tiến độ đến cả 5-6 năm trời, hay bàn giao nhà giá trị cả chục tỷ đồng nhưng hạ tầng chưa hoàn thiện, phí dịch vụ thu vượt quy định gấp nhiều lần… Trong lĩnh vực bất động sản, chưa bao giờ quyền lợi của người tiêu dùng lại bị cố tình xâm phạm một cách đồng loạt như vậy.
Anh Lê Thanh Đồng, Người mua chung cư Lê Văn Lương Residential cho biết: “Họ yêu cầu 30% giá trị nhà cuối cùng đóng bằng USD. Trong hợp đồng ghi rõ điều đó, nhưng chúng tôi chưa ký vì nếu họ chọn một thời điểm mà tỷ giá USD lên cao nhất rồi tính, thì giá nhà của chúng tôi thành ra quá cao”.
Ông Trần Xuân Trạch, Người mua chung cư Keangnam: “Chỉ có nhà là cao hơn thôi, còn chất lượng dịch vụ thì tôi đảm bảo là không thể bằng nhiều khu chung cư khác mà chúng tôi biết”.
Có thể kể ra hàng loạt cái tên, mà toàn những dự án chung cư cao cấp có giá trị từ một vài cho đến cả chục tỷ đồng một căn như chung cư Lê Văn Lương Residential, Chealsea Park, Royal City, AZ Land, Golden West Lake, Mulberry Lane, Keangnam…
Không phải nhà đầu tư - người mua - người tiêu dùng không biết các chủ đầu tư đang làm sai quy định, nhưng vào giai đoạn cơn sốt bất động sản đang ở cao trào, nhiều người đã nhắm mắt cho qua với tâm lý “của mua là của được”.
Chị Trịnh Thúy Mai, Người mua chung cư Keangnam nói: “Mua được là đã may lắm rồi. Chủ đầu tư đưa ra hợp đồng một chiều như thế, nhưng thấy nhiều người mua thì tôi cũng mua”.
Anh Đỗ Đức Huy, Người mua chung cư Lê Văn Lương Residential khi được hỏi: “Anh có biết là Nhà nước đã cấm niêm yết hoặc giao dịch bằng USD không?. Trả lời: Chúng tôi có biết nhưng mà tôi là người mua nhà để ở, tôi cũng thông cảm với chủ đầu tư”…
Và bây giờ, khi thị trường BĐS ảm đạm, nhà không bán được, ngân hàng giục giã, chỗ vay nặng lãi siết nợ hàng ngày, nhà đầu tư không còn lựa chọn nào khác, đành bỏ tiền thuê luật sư để tìm lại quyền lợi cho mình được tí nào hay tí ấy.
Vậy là, lợi dụng “tâm lý đám đông” của một bộ phận nhà đầu tư đang say sưa trong cơn sốt ảo của bất động sản, các chủ đầu tư đã đưa ra các bản hợp đồng trong đó có nội dung vừa vi phạm Pháp luật nhà nước, vừa vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Hệ quả tất yếu của việc vi phạm đồng loạt trong giai đoạn trước của các chủ đầu tư là tình trạng khiếu kiện đồng loạt của các nhà đầu tư hiện nay. Cuộc đấu tranh đòi lại quyền lợi này xem ra sẽ mang đến những bài học đắt giá cho các chủ đầu tư và cả người tiêu dùng.