Mảng kính xây dựng và gạch ốp lát của Viglacera được dự báo sẽ gặp khó khăn do giá năng lượng ở mức cao, đồng thời nhu cầu trong nước giảm mạnh do sự suy yếu của thị trường bất động sản.

Trong báo cáo cập nhật về Tổng công ty Viglacera – CTCP (Mã: VGC), Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng năm nay, Viglacera gặp thuận lợi khi các mảng kinh doanh như bất động sản và vật liệu xây dựng đều có mức tăng trưởng rất tốt.

Tuy nhiên, do động lực tăng trưởng không còn nhiều nên kết quả kinh doanh trong các quý tới của Viglacera sẽ kém khả quan hơn và khó có mức tăng trưởng ấn tượng như quý 1, quý 2.2022.

VCBS cho rằng, do động lực tăng trưởng không còn nhiều nên kết quả kinh doanh trong các quý tới của Viglacera sẽ kém khả quan hơn

VCBS dự báo doanh thu thuần năm 2022 đạt 15.065 tỉ đồng, lợi nhuận ở mức 1.996 tỉ đồng, lần lượt tăng 34,6% và 56% so với năm trước. Bước sang năm 2023, doanh thu của Viglacera đạt 14.946 tỉ đồng, giảm 1% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế đạt 1.651 tỉ đồng, giảm 17%.

Diện tích khu công nghiệp cho thuê không còn nhiều

Năm 2022, kết quả doanh thu của Viglacera tăng trưởng tích cực đến chủ yếu từ mảng bất động sản và kinh doanh thuận lợi từ mảng vật liệu xây dựng.

Cụ thể, lợi nhuận ở mảng bất động sản khu công nghiệp và dân cư tăng trưởng mạnh khi đạt đạt 4.099 tỉ đồng doanh thu và 1.781 tỉ đồng lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm, lần lượt tăng 70% và 66% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, doanh thu thuần mảng bất động sản khu công nghiệp của Viglacera đạt 2.759 tỉ đồng, tăng 26,6% nhờ công ty đã cho thuê được KCN Yên Phong Mở Rộng, Yên Phong 2- C, Phú Hà, Đông Mai. Cụ thể, doanh thu trong giai đoạn này chủ yếu tới từ KCN Yên Phong Mở Rộng với 50 ha cho thuê. Tương tự, doanh thu mảng bất động sản dân cư sau 9 tháng đạt 1.011 tỉ đồng.

VCBS cho rằng, trong quý cuối năm 2022 và bước sang năm 2023, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của Viglacera gặp nhiều áp lực khi lợi nhuận đem lại từ các dự án sẵn sàng có thể cho thuê như Yên Phong 2-C, Phú Hà, Hài Yên, Tiền Hải, Phong Điền không quá cao và diện tích cho thuê còn lại không nhiều.

Về mảng bất động sản dân cư, Viglacera đã hạch toán phần lớn các khu đô thị đã bán như Khu đô thị Đặng Xá và còn lại các dự án nhà ở xã hội, do đó tiềm năng hạch toán trong năm 2023 sẽ không nhiều.

Lĩnh vực kính xây dựng và gạch ốp lát gặp khó khăn

Về mảng vật liệu xây dựng, động lực tăng trưởng lớn năm 2022 của Viglacera là kính xây dựng và gạch ốp lát cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong năm 2023.

Mảng kính xây dựng và gạch ốp lát của Viglacera gặp khó trong các quý tới

Trên thực tế, do thị trường bất động sản “đóng băng”, gạch ốp lát không tiêu thụ được, các nhà máy đã phải giảm sản lượng từ 30-50%. Với kính xây dựng, sản lượng hơn 300 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm, tiêu thụ khoảng 260 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm, song sản lượng kính xây dựng tiêu thụ sau 9 tháng qua chỉ ở mức 120 triệu m2.

Theo VCBS, hiện giá kính đang có đà giảm mạnh sau khi nguồn cung trong nước hồi phục từ nhà máy kính nổi Chu Lai và nhu cầu sụt giảm. Trong khi đó, gạch ốp lát chịu áp lực lớn từ nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh do thị trường bất động sản không có nhiều nguồn cung mới và giá năng lượng duy trì mức cao gây ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, kinh doanh của Viglacera.

Thêm vào đó, các công ty con chuyên gạch ốp lát của Viglacera có thể gặp khó khăn trong việc bán hàng trong bối cảnh cạnh tranh, lãi vay tăng cao như hiện nay.

Bộ Xây dựng sẽ thoái toàn bộ vốn tại Viglacera

Câu chuyện thoái vốn của Nhà nước là điểm nhấn đầu tư của Viglacera trong giai đoạn hiện nay và kéo dài sang năm 2025. Theo kế hoạch được duyệt, Bộ Xây dựng sẽ thoái 35,58% vốn tại Viglacera trong giai đoạn 2022-2023.

Hiện Viglacera đang là công ty con gián tiếp của Tập đoàn Gelex (GEX) thông qua CTCP Hạ tầng Gelex sở hữu 50,21% vốn điều lệ của Viglacera. Trước đó, vào tháng 4.2021, Tập đoàn Gelex cùng với những người liên quan vừa nâng tỉ lệ sở hữu tại Viglacera lên 50,21% vốn, chính thức nắm quyền chi phối tại Viglacera.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Viglacera đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ; lần lượt tăng 51% và 104%, đạt 11.313 tỉ đồng và 1.710 tỉ đồng, trong đó lãi ròng công ty mẹ gần 1.567 tỉ đồng.

Trong giai đoạn này, sản phẩm kính, gương đem về cho Viglacera 2.257 tỉ đồng, chiếm 20% tổng doanh thu và gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Mảng bán các sản phẩm gạch ốp lát đạt 2.554 tỉ đồng doanh thu, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 23% vào doanh thu.

Mặc khác, doanh thu bán hàng hoá bất động sản ghi nhận 1.012 tỉ đồng doanh thu 9 tháng, tăng 149% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch vụ cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp đem về 2.759 tỉ đồng doanh thu và đóng góp 24% vào cơ cấu doanh thu của công ty.

Tính ngày 30.9, tổng tài sản của Viglacera là 23.127 tỉ đồng, tăng 1.130 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho của tổng công ty tăng 14% lên 4.177 tỉ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và thành phẩm.

Bên cạnh đó, chi phí xây dựng cơ bản ghi nhận 4.882 tỉ đồng, phần lớn nằm ở chi phí xây dựng các khu công nghiệp. Trong đó, tổng chi phí tại các dự án KCN như Yên Mỹ, Yên Phong 2 C, Thuận Thành giai đoạn 1, Phú Hà giai đoạn 1 là khoảng 4.260 tỉ đồng.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.