05/06/2018 10:28 AM
Thành Hoàng Đế - căn cứ phòng thủ, kinh đô của vương triều Tây Sơn Nguyễn Nhạc - nằm trên địa bàn xã Nhơn Hậu và các phường Đập Đá, Nhơn Thành thuộc thị xã An Nhơn, Bình Định, là di tích quốc gia từ năm 1982. Khu vực bảo vệ Thành Hoàng Đế được khoanh rộng tới 330 ha. Cái giới hạn mênh mông cùng quy định bảo tồn di sản ngặt nghèo khiến nhiều năm qua, hàng ngàn cư dân địa phương phải sống trong tình cảnh bất an, thua thiệt.

Cổng Thành Hoàng Đế. Ảnh: X.N

Mòn mỏi “sống treo”

Thấy chúng tôi cứ lòng vòng chạy tới chạy lui, anh Nguyễn Văn Sỹ ở thôn Nam Tân xã Nhơn Hậu ngần ngừ mở cổng: “Mấy ông tìm mua đất chớ gì. Coi chừng tiền mất tật mang”. Lời cảnh báo nghiêm trọng từ người nông dân 51 tuổi gây hiệu ứng tò mò. “Tiếp giáp bờ rào nhà tôi là nền đất 5x60m của ông Sáu Minh. Lô đất sang nhượng đã lâu nhưng còn chình ình phơi sương phơi nắng. Xây nhà thì không được phép, muốn “đẩy” cũng chẳng ai dám mạo hiểm dây dưa.

Đất đẹp, cách quốc lộ 1A hơn cây số. Thi thoảng, có người tìm tới gật gù đo đếm, hỏi han, nhưng trước sau như một, ai cũng lần đầu rồi biệt tăm biệt tích. Nhà nước có cho tách thửa, cấp giấy chứng nhận đâu...” - Anh Sỹ kể chuyện mắt thấy tai nghe.

Trường hợp Sáu Minh dù sao vẫn là “trong ấm ngoài êm”. Ở ngoại vi Tử Cấm Thành, không ít “thương vụ” đầu xuôi song đuôi chẳng lọt. Hai bên từ chỗ thuận mua vừa bán đã phát sinh kình cãi, mâu thuẫn đến độ... xúc đất đổ đi. Bà Trịnh Thị Mai dưới phường Đập Đá lên mua đất của ông Nguyễn Văn Thống.

Tiền cọc chồng đủ nhưng khâu chạy giấy tờ đành chịu bó tay. Bà Mai không thể hoàn tất giao dịch, xây nhà dựng cửa như dự tính trong khi tiền cọc tựa ảo ảnh khó đòi vì bên bán... lỡ tiêu. Hậu quả ra sao, không nói thì ai cũng biết.

Dãy rào trước nhà ông Nguyễn Văn Hòa (Nam Tân) nằm chồng lên dấu tích bờ thành cũ. Ngôi nhà xây năm 1968, nay là nơi cư ngụ của 3 thế hệ thuộc 3 gia đình ra đụng vào chạm. Hai con trai ông Hòa, 29 và 27 tuổi đều đã lấy vợ, sinh con, đi làm thì thôi, về nhà là người lớn, trẻ nhỏ đùm túm co cụm đằng sau. Nửa thế kỷ dầm mưa dãi nắng, nếp nhà cấp 4 đơn sơ lắm phen ngả nghiêng, thủng nát. “Hư đâu sửa đó, chủ yếu chống dột mùa mưa bão chứ không được phép làm gì hơn - ông Hòa ngao ngán.

Khu vườn hơn 2 sào đất, muốn tách ra, chia cho con, đặng chúng an cư lạc nghiệp nhưng đâu có được. Không có nhà, nghĩa là chưa đủ điều kiện tách hộ; dính chùm quẩn quanh như thế, mình không sao, nhưng tụi nhỏ nó đâu có muốn”. “Mô hình” gia đình lớn, tam tứ đại đồng đường như ông Hòa, nếu không cam chịu bó buộc khuôn phép, thì chọn giải pháp liều lĩnh xé rào.

Ông Tâm vườn rộng, con đông, cân bằng lợi ích khi chia tài sản bằng cách giữ 1 đứa ở cùng cha mẹ, 4 đứa còn lại ra riêng, nhận đất cất nhà, tiêu chuẩn ngang ngay sổ thẳng 8x37m/lô. 5 lô đất chung giấy chứng nhận quyền sử dụng, diện tích tuy như nhau nhưng phương vị mỗi lô một khác, khó tránh cảnh tượng lườm nguýt, so bì, nghi ngại; chưa kể công trình xây dựng không phép, phập phồng nay ở, mai đi.

Lâu lâu, nghe ai bình phẩm bâng quơ là thon thót giật mình, mất ăn mất ngủ. Vợ chồng ông Tâm định chuyển vài trăm mét vuông thành vốn liếng dưỡng già, rốt cuộc chỉ rước thêm muộn phiền vì mọi toan tính đều bị phá sản từ trong trứng nước.

Chúng tôi không có số liệu thống kê chính xác về quy mô dân cư trong Thành Hoàng Đế. Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu Lê Duy Kha, dù làm việc trực tiếp, vẫn yêu cầu P.V gửi câu hỏi và hẹn trả lời qua thư điện tử. Mất gần nửa tuần, thông tin nhận được từ ông Kha là vài gạch đầu dòng, thiếu trước hụt sau: “Thôn Nam Tân 482 hộ, 1.776 nhân khẩu”.

Nam Tân chỉ mới là 1 trong 3 thôn thuộc Nhơn Hậu, cùng Bắc Thuận, Đại Hòa, trong phạm vi bảo vệ di tích. Nếu tính cả phần liên quan các phường Nhơn Thành, Đập Đá, con số chắc chắn lớn hơn rất nhiều.

Theo biên bản lập ngày 23.9.1997 giữa UBND tỉnh Bình Định, UBND huyện An Nhơn (cũ), các xã Đập Đá, Nhơn Hậu thì chính quyền “nhất trí áp dụng mọi biện pháp” bảo vệ di tích. Ngoài 21.924m2 Tử Cấm Thành (dài 174m, rộng 126m) nghiêm cấm tuyệt đối tất cả hoạt động xây dựng, tự ý tháo dỡ, thay đổi vị trí hoặc làm hư hại, giảm giá trị vốn có của di tích, khu vực “điều chỉnh xây dựng” rộng 3,3 km2 cũng trở thành đối tượng quản lý nghiêm ngặt:

“Bất cứ tổ chức, cá nhân nào muốn phá dỡ hoặc xây dựng thêm 1 công trình tại đây đều phải xin phép UBND tỉnh và phải có ý kiến của Sở Văn hóa. Nếu là di tích có giá trị tiêu biểu cho cả nước thì phải được Bộ Văn hóa chấp thuận, cho phép theo Pháp lệnh số 14 - LCT/HĐNN”.

Khu dân cư trên bờ thành cũ. Ảnh: X.N

Chỉ phục vụ nghiên cứu khoa học

Tên gọi Thành Hoàng Đế xuất hiện từ năm 1778, với việc Nguyễn Nhạc lên ngôi, lấy niên hiệu Thái Đức. Tòa thành xây dựng trên cơ sở thành Đồ Bàn của Champa nên về phương diện văn hóa - lịch sử, nó lưu giữ nhiều giá trị thâm hậu hơn giới hạn 1 triều đại cụ thể. Người dân Đập Đá, Nhơn Hậu bây giờ vẫn quen gọi Tử Cấm Thành là Lăng Võ Tánh - nơi còn mộ, bia ghi tiểu sử, điện thờ vị danh tướng trung liệt từng tuẫn tiết theo thành của vua Gia Long.

Việc bóc tách, nghiên cứu từng lớp văn hóa rồi sẽ cần nhiều thời gian, công sức. Theo Giám đốc Ban Quản lý di tích Bình Định Đặng Hữu Thọ, với phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, thì “đây là dấu vết vật chất hiếm hoi còn sót lại, là tư liệu sống về nhà Tây Sơn trên đất Bình Định”.

Vẫn theo ông Thọ, con số 3,3 km2 (330 ha) khoanh vùng bảo vệ không phải... trên trời rơi xuống mà căn cứ vào kết quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia uy tín như GS Phan Huy Lê, GS Phan Đại Doãn... “Không chỉ Tử Cấm Thành, một số di tích liên quan cũng cần bảo vệ, trùng tu như Đàn Nam Giao, Tháp Cánh Tiên, bãi tập trận... Thành Hoàng Đế có vai trò không thể thay thế trong việc phục vụ nghiên cứu khoa học, góp phần giải đáp những tồn nghi về phong trào Tây Sơn ngay ở vùng đất mà nó phát tích.

Các đợt khai quật khảo cổ từ 2004 đến nay đã bổ sung nhiều sử liệu quan trọng, giúp hình dung đầy đủ, sống động hơn diện mạo đền đài, cung điện ngày xưa như xác định quy mô Tử Cấm Thành, nền hậu cung, nền điện bát giác, cung Quyển Bồng, hồ bán nguyệt...,”- ông Thọ lưu ý hiệu quả khai thác di tích trăm năm.

Có 1 kỳ vọng dở dang là chuyện biến di tích thành “điểm đến” thu hút khách thập phương. Thật bất ngờ, chủ nhân ngôi nhà 3 thế hệ Nguyễn Văn Hòa cũng chính là nhân viên bảo vệ di tích Thành Hoàng Đế. Đều đặn sớm chiều 2 bận, người đàn ông sống trên bờ hoàng thành lại đơn chiếc “vào ca”, lầm lụi thắp hương, dọn cỏ rác hay tấp tễnh thay thế mấy bóng đèn hư hỏng trên cao.

Hỏi ông tình hình khách khứa ra sao, câu trả lời bật ra kèm tiếng thở dài ngán ngẩm: “Năm thuở mười thì mới có đoàn khách Hà Nội, Sài Gòn ghé qua, chủ yếu vào mùa hè, theo tour đặt trước”. Khó trách, bởi ngoài phế tích sau bờ tường đá ong tân tạo, loanh quanh cũng chẳng biết đi đâu hơn tháp Cánh Tiên - ngọn tháp hoàn thành trùng tu nhờ 1 nguồn tài trợ cách đây dăm năm.

“Lý lịch trích ngang” di tích Thành Hoàng Đế có những trang vô cùng buồn bã. Năm 2007, cơ quan chức năng phát hiện 1 góc Đàn Nam Giao bị đào bán với giá 1.000 đồng/m3! Làm nên “nông nỗi” là 1 lãnh đạo quyền thế cùng doanh nghiệp sân sau. Đấy không phải “phi vụ” lẻ loi.

Quãng năm 2004, khu Nỗng Thượng - địa điểm tập trận của quân Tây Sơn - và khu Bàu Vệ (hồ tắm ngựa) bị xẻ thành 40 lô rao bán đấu giá. Tiền trao cháo múc xong xuôi, rất may, kế hoạch “tạo nguồn thu ngân sách” cuối cùng đã bị chặn đứng.

Gần 30 năm, cả người dân lẫn cơ quan quản lý cứ loay hoay với chiếc áo ngoại cỡ của di tích Thành Hoàng Đế. Quản lý thì đuối sức, bất lực, thậm chí có cá nhân lạm quyền trục lợi, thẳng tay xâm hại di sản; đời sống, sinh hoạt, giao dịch dân sự của công dân thì bị kiềm tỏa, đóng băng. Dù bất cứ lý do gì, ứng xử không phù hợp với di sản cha ông cũng là hoang phí.

Khoanh vùng bảo vệ 81,8 ha

Là đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định trước khi trình Bộ VHTTDL phương án điều chỉnh diện tích bảo vệ Thành Hoàng Đế nhằm “tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống, đảm bảo quyền sử dụng đất và phát triển kinh tế - xã hội địa phương”. Theo đó, có 8 điểm cần tập trung bảo vệ gồm Bãi tập trận, Bàu Bể, Bàu Vệ, Đàn Nam Giao, Thành nội, Tháp Cánh Tiên, Gò Tháp Mẫm và Bờ thành ngoại.

Trao đổi với P.V Lao Động, Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Bình Định Đặng Hữu Thọ giải thích, “nguyên tắc là khoanh vùng từng địa điểm còn công trình xây dựng hoặc di tích gốc, điều hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Di sản văn hóa và Nghị định 98/2010/NĐ-CP”.

Xuân Nhàn (LĐO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.