08/08/2015 8:26 AM
Chiếc khăn vắt trên cổ thấm mồ hôi, râu tóc mọc dài không buồn cắt, thời gian qua anh Thành sống cảnh màn trời chiếu đất trên 13m2 mặt đường này.
Ăn ngủ, tắm giặt ngoài đường
12h trưa, nắng rát mặt. Trên phần đất bé xíu còn lại sau giải phóng mặt bằng (GPMB) tại ngã tư Trần Phú, điểm giao Kim Mã – Sơn Tây (phường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), cặp vợ chồng uể oải bên mâm cơm dưới túp lều che chắn bằng mấy tán ô, vài mảnh vải.
Gần một năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Thành (SN 1957, nhà số 12C, Thanh Bảo, Kim Mã) đã ăn cơm ngoài trời như thế. Ngôi nhà 4 tầng x 13m2 của anh đã “bay” hết khi giải tỏa, nay chỉ còn 6m2.
Nhà nước đền bù 52 triệu/m2 mặt sàn, 5 triệu/m2 xây dựng và bố trí tái định cư. Giá nhà tái định cư 18 triệu/m2, vậy là sau khi mất nhà mặt phố, phải chuyển ra vùng ven, nhà anh thêm khoản nợ lãi 300 triệu.

Vấn đề quan trọng hơn, vợ chồng anh không biết làm gì để sống. Trước cả hai đều làm thuê, nay chuyển chỗ ở mới, khoảng cách quá xa, không thể tiếp tục công việc. Vợ chồng đành về lại thửa đất bé xíu còn lại ở khu nhà cũ bán dưa, cà muối, túc tắc mỗi ngày kiếm khoảng 100 ngàn.

Bữa cơm ngoài trời của vợ chồng anh Thành tại “ngôi nhà” trên đường Trần Phú – Kim Mã.

Anh Thành may mắn vì có nhà liền kề là anh em, tình cảm tốt nên mới thỏa thuận được việc hợp thửa, dù rằng sau đó miếng đất của nhà anh sẽ do người anh sở hữu. Gần một năm chờ đợi phê duyệt chưa được, gia đình anh muốn làm cái mái, kéo cái cửa sắt chống trộm; nhưng chính quyền không cho, đành quây bạt, che ô, sống lay lắt chờ ngày hợp thửa.
Dọc tuyến phố Trần Phú mới mở, lác đác vài ngôi nhà có mặt tiền hoàn tất sạch sẽ, còn lại là đất “thừa” đang bỏ không hoặc tận dụng mở quán nước, tạp hóa.
Dọc khu phố này, nhiều hộ gia đình khác cũng bức xúc sau giải tỏa vì chỉ còn một thẻo đất bé tẹo méo mó kỳ dị, Nhà nước không lấy nốt mà còn chừa lại, thành ra người dân giờ lâm vào tình cảnh oái ăm bán không được, giữ không xong.
Dọc khu phố, có “thửa đất” nham nhở, nhìn xa tưởng bức tường bao, lại gần mới hay đó là một dải đất chỉ vừa vài hàng gạch xây. Có miếng đất siêu méo quây vài tấm tôn tạm bợ đã hết chỗ để “đánh dấu”.
Mua không được, bán không xong
Những nhà không bị giải tỏa cũng lâm vào tình trạng… ấm ức. Như gia đình cụ Bồ Xuân Huy (89 tuổi, số 19, ngõ 7, Sơn Tây): Nhà cụ không mất một mét đất nào cho giải phóng mặt bằng, nhưng nay lại bị thửa đất mỏng lét án ngữ trước mặt. Miếng đất dài hơn chục mét, dày chưa đầy 1m, đã được xây kín, kéo cửa sắt, khóa ngoài.

Gia đình cụ muốn mua lại để ra mặt đường nhưng chủ đất hét giá cao quá. Giữa trưa nắng, ông cụ lại lần ra gang tay đo bức tường, “tố”: “Ban đầu họ đòi đổi đất nhưng nhà tôi không có đất để đổi. Con tôi làm lái xe, con dâu làm cấp dưỡng, vay mượn tứ tung khắp nơi năn nỉ họ để lại miếng đất giá 1 tỷ, tính ra khoảng 100 triệu/m2, nhưng họ không chịu, đòi đến mấy tỉ. Đắt hơn vàng như thế, nhà tôi chịu”, cụ nói.

Gia đình cụ Huy muốn mua miếng đất “siêu mỏng” này để ra mặt đường nhưng không đủ tiền

Lại có trường hợp có tiền vẫn không mua được đất siêu mỏng. Như tại tuyến Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, đứng trước phần đất quây tôn trước mặt nhà mình số 102 Ô Chợ Dừa, chủ nhà số 102 là chị Nguyễn Lệ Hằng cho biết: Miếng đất 0,6m x 6,5m mặt tiền này của người khác.
Nhà chị thấp hơn mặt đường khoảng 30cm, đi bộ mới bước từ đường Ô Chợ Dừa vào được, đi xe phải kê miếng ván dắt xuống cẩn thận, hoặc không đành đi vòng từ phố Đông Các. Vì thế gia đình chị muốn tìm hiểu mua phần đất trên để ra mặt đường nhưng chẳng biết làm việc với ai.
“Bên dự án thì nói đất này của Nhà nước đã thu hồi. Nhà bị giải tỏa thì nói đây là phần còn lại sau GPMB, vẫn thuộc sở hữu của họ. Nhưng họ đã đi nơi khác ở, lại kiên quyết không mua bán gì nên nhà tôi đành mòn mỏi chờ đợi”, chị Hằng nói.
Ngược lại với trường hợp chị Hằng, trên con phố Trần Phú kéo dài, ông Trịnh Phương Hùng (SN 1954, ngụ số 63 phố Sơn Tây) lại tỏ vẻ giận dữ: “Nhà tôi làm đường xong còn một tí đất như cái cờ đuôi nheo, nhưng muốn bán thì lại bị nhà hàng xóm dìm giá thê thảm”.
Sau khi bị thu hồi hơn 60m2 mặt bằng, đất nhà ông Hùng còn 2,7m2 mặt đường Trần Phú, nối liền con ngõ chưa đầy 11m2 hai người đi không lọt, thông từ đường Trần Phú sang Sơn Tây. Hiện chính quyền đã động viên ông hợp thửa với nhà liền kề nhưng hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
Ông phân tích: “Nếu nhà liền kề mua phần đất này, lập tức nhà họ thành hai mặt đường thoáng đẹp, giá trị tăng gấp bao nhiêu lần, nên tôi yêu cầu giá tối thiểu bằng mức đền bù GPMB 86 triệu/m2. Nhưng nhà kia “dìm giá” chưa được một nửa.
Tức mình, tôi không đả động gì đến bán mua nữa, khóa ngõ để đấy, mình không ở được thì cũng chẳng ai được nhờ gì”.
Trên con phố mới giải tỏa này, nhiều trường hợp cũng giống như nhà ông Hùng, rất khó đạt được tiếng nói chung với nhà liền kề. Người bán muốn giá cao, người mua tìm mọi cách ép giá, hai bên đều chơi bài “cù nhầy”, bên không thèm bán, bên chẳng thèm mua, cứ quây tôn, căng bạt để đấy, thành ra mặt phố mới nham nhở lem nhem như cái bãi hoang.
Tuyết Lan - Đức Phúc (Pháp luật)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.