Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Xuân Đương; Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long trực tiếp phát động khởi công dự án.
Việc tổ chức hoành tráng lễ khởi công dự án này kỳ vọng sẽ làm “tan băng” thị trường bất động sản trong thời gian tới. Tuy nhiên, chỉ sau một tháng kể từ ngày khởi công dự án “khủng” này, chủ đầu tư bị rút giấy phép “đột ngột” và ngay lập tức dự án lại được cấp cho một công ty khác. Dự án Đường đô thị Đán - Hồ Núi Cốc và các khu đô thị được Chính phủ kỳ vọng là thế, nhưng với cách giải quyết của UBND tỉnh Thái Nguyên dưới đây cho thấy còn có nhiều uẩn khúc đằng sau dự án.
Thu hút dự án nghìn tỷ theo kiểu “mang con bỏ chợ”?
Để khởi công được dự án, trước đó UBND tỉnh Thái Nguyên, các ban ngành của tỉnh đã phải mất nhiều tháng để nghiên cứu rất kỹ năng lực của nhà đầu tư, thẩm định dự án. Về phía chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Bắc SVA - bao gồm nhiều cổ đông của Tập đoàn Tài chính SVA góp vốn) cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về nguồn tài chính và công nghệ, liên doanh với các đối tác nước ngoài có đủ năng lực thi công xây dựng dự án Đường đô thị Đán - Hồ Núi Cốc. Sau khi thẩm định, ngày 10-5-2012, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 17121000018 (chứng nhận lần đầu) cho Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Bắc SVA (Công ty SVA).
Phát biểu tại Lễ khởi công dự án ngày 19-5, ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính SVA đã khẳng định quyết tâm trước Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, sẽ thi công xây dựng tuyến đường Đán - Hồ Núi Cốc xong trước thời hạn, và nhấn mạnh sự kiện này đã ghi dấu ấn cho Thái Nguyên trở thành tỉnh vươn lên vị trí cao trong việc thu hút FDI vào địa phương, sẽ làm “tan băng” thị trường bất động sản của cả nước hiện nay.
Phối cảnh dự án
Tuy nhiên, ngày 18-6, đúng một tháng từ ngày khởi công dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên lại có Quyết định số 1242/QĐ-UBND về việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư Dự án đường đô thị Đán - Hồ Núi Cốc của Công ty SVA (theo đề nghị của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Bất động sản Hà Nội) với lý do: Nhà đầu tư chưa nghiên cứu kỹ các quy định của Nhà nước cũng như chiến lược kinh doanh của Công ty, nên đã đề nghị UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Bắc SVA (là doanh nghiệp dự án), nên khi thực hiện giao dịch với các đối tác… Để tiếp tục triển khai dự án, Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Bất động sản Hà Nội đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Bắc SVA và cấp lại Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Bất động sản Hà Nội”. Cùng ngày, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Bất động sản Hà Nội (đây là một cổ đông của Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Bắc SVA) thực hiện theo hình thức BT.
Như vậy, dư luận đặt dấu hỏi tại sao chỉ trong vòng một tháng mà UBND tỉnh Thái Nguyên lại có nhiều quyết định đột ngột làm thay đổi chủ dự án hàng nghìn tỷ đồng như vậy? Có hay không việc UBND tỉnh Thái Nguyên đang “ưu ái” với Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Bất động sản Hà Nội? Phải chăng việc lựa chọn nhà đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư của Thái Nguyên chỉ là việc làm tùy hứng?
UBND tỉnh Thái Nguyên có làm trái luật!?
Để làm rõ hơn vấn đề trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Viết Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Trần - Đoàn Luật sư Hà Nội. Ông Hưng cho biết: Việc UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 17121000018 ngày 10-5-2012 cho Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Bắc SVA, sau đó ngày 18-6, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên lại ký Quyết định số 1242/QĐ-UBND với nội dung chấm dứt hiệu lực pháp lý và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư số 17121000018 là trái với các quy định của pháp luật về đầu tư. Theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Đầu tư 2005 quy định “Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau 12 tháng mà nhà đầu tư không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư”. Tại Điều 8 Giấy chứng nhận đầu tư số 17121000018 cũng đã quy định rõ như vậy. Như vậy, việc Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 1242 với lý do được trích dẫn như trên là chưa có tiền lệ tại Việt Nam và không đúng với các quy định của pháp luật.
Cũng theo Luật sư Trần Viết Hưng, căn cứ vào Điều 86 Luật Đầu tư 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan thì Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Bắc SVA có quyền khiếu nại và khởi kiện Quyết định số 1242 do Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký ban hành ngày 18-6-2012 lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều đáng nói là Tập đoàn Tài chính SVA cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có động thái lên tiếng chính thức về vụ việc này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có những tình tiết mới.