Mỗi xe qua trạm thu phí cầu Bến Thủy mức giá thấp nhất là 40.000 đồng/lượt.
Ba tháng sau vụ người dân ở gần khu vực cầu Bến Thủy tập trung đòi quyền lợi về việc thu phí cầu Bến Thủy, sau hai lần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đến ngày 10/3 vừa qua phía chủ đầu tư mới ra công văn giải quyết những đòi hỏi về quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, khi nhận được văn bản này thì cả chính quyền địa phương và người dân càng “sốc” nặng hơn khi doanh nghiệp đưa ra bản cam kết lạ lùng bắt người ký: dân không tham gia trên các tuyến của dự án BOT.
Trước đó, năm 2016 người dân ở hai đầu cầu Bến Thủy liên tục phản đối vị trí đặt trạm thu phí cầu Bến Thủy
Cụ thể, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) có công văn do ông Ngô Trọng Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc ký gửi các địa phương gồm TP. Vinh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân, TX. Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) để đề nghị thống kê các loại phương tiện của người dân địa phương không tham gia giao thông trên các tuyến của dự án BOT (chủ xe phải có cam kết), xe ô tô loại 1 (mua vé tháng), loại 2 (mua vé quý) đăng kí thường xuyên qua trạm Bến Thủy, Bến Thủy 2 và thống kê phương tiện vẫn tham gia giao thông qua một phần trên các tuyến của dự án BOT.
"Các xe ô tô của chủ phương tiện cam kết không tham gia giao thông trên các tuyến của dự án BOT, nếu phát hiện ra chúng tôi sẽ từ chối mức hỗ trợ hiện đang được hưởng do nhà đầu tư BOT chi trả" - công văn do ông Nghĩa ký nhấn mạnh.
Văn bản cam kết không đi đường BOT của Cienco4.
Văn bản lạ lùng và vô lý của Cienco4 khiến lãnh đạo địa phương tỏ ra lúng túng, không hiểu việc này như thế nào, với người dân càng thêm bức xúc. Theo họ, thời gian qua người dân địa phương đã quá mệt mỏi vì trạm BOT Bến Thủy đặt không đúng vị trí dẫn đến việc nhiều người không đi qua trạm BOT vẫn phải đóng phí.
Hơn nữa, lý họ đưa ra là cầu Bến Thủy có hàng chục năm nay được làm từ tiền thuế của người dân nhưng bị Cienco 4 ngang nhiên đặt Logo lên hai đầu cầu như là cầu của doanh nghiệp này. Sau khi người dân không đồng tình tập trung phản đối thì Cienco 4 lại yêu cầu người dân ký cam kết.
“Họ làm cầu mới BOT thì đặt biển, thu phí bên kia, chúng tôi đi sẽ nộp tiền bình thường. Còn cầu này nhà nước xây dựng cách đây mấy chục năm rồi, bằng tiền thuế của dân chứ có bằng tiền doanh nghiệp đâu. Họ áp đặt vô lý quá!”- một người dân ở Nghi Xuân nói.
“Chừ cứ bảo là để cho người dân có quyền lựa chọn đường BOT và không BOT. Không BOT người ta cũng rào lại để tổ chức thu phí BOT. Dân chúng tôi giờ đi taxi từ Nghi Xuân sang TP.Vinh mất có hơn 30.000 đồng nhưng phải cõng thêm 80.000 đồng vé BOT cầu nữa, quá vô lý”, anh Dũng ở Xuân Lĩnh, Nghi Xuân nói.
Bản cam kết người dân phải ký để nộp lại cho Cienco4.
Còn Chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh Trần Xuân Thủy cho rằng, việc Cienco 4 bắt ký bản cam kết càng làm tăng thêm bức xúc của người dân. “Ai lại đi cò kè hơn thiệt một chút đường với người dân bao giờ. Nếu thực hiện theo cam kết này, người dân xã Xuân Lĩnh chỉ có cách đưa xe ô tô vượt núi để đi. Mấy ngày nay người dân ở đây rất bức xúc khi đến để thống kê”, Chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh cho biết.
Không thích thì hủy…
Sau phản ứng gay gắt của người dân cũng như chính quyền địa phương khi nhận được văn bản. Một tuần sau, ngày 17/3, Cienco4 đã cho thu hồi văn bản gửi các địa phương ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về đề nghị thống kê số liệu ôtô của người dân sống gần trạm thu phí Bến Thủy và Bến Thủy 2.
Trong văn bản mới, Cienco4 giải thích đề nghị nêu trên nhằm xây dựng phương án miễn hoặc giảm mức tối đa cho ôtô của tổ chức, cá nhân thường trú gần trạm thu phí Bến Thủy và Bến Thủy 2. Văn bản này không yêu cầu người dân ký cam kết "không đi trên đường BOT".
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây là một kiểu rất....kỳ lạ của doanh nghiệp. Khi không thể “bắt ép” người dân được thì lại chơi bài...thu hồi văn bản.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận thải TP. Hà Nội cho rằng: đây là việc làm rất vô trách nhiệm và đầy cảm tính, theo kiểu “lệ làng, bắt ép” ai thích thì đến, không thích thì đi chỗ khác.
“Doanh nghiệp phải nhớ rằng mình là đại diện cho một tổ chức, có tư cách pháp nhân, tham gia kí kết hợp đồng với cơ quan nhà nước là Bộ GTVT, Chính phủ cho nên không thể tùy tiện như vậy được. Ở đây, lẽ ra doanh nghiệp nên có sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp vận tải, vì họ đang bị nhiều loại thuế, phí mỗi khi ra đường. Họ có thể thu phí thấp hơn nhưng kéo dài thời gian ra. Đằng này lại làm kiểu tận thu…”, ông Bùi Danh Liên nói.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam - Nguyễn Văn Thanh cho rằng, cần thiết kiểm tra độc lập lại các dự án BOT, vì vừa rồi thanh tra, kiểm tra phát hiện rất nhiều sai phạm, nhiều dự án rút ngắn thời gian thu phí cả chục năm. Cho nên phải đẩy nhanh việc làm này để minh bạch hóa, ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm với các dự án BOT.
“Không thể cứ nay tăng giá, mai tăng giá, ép người dân mãi được. Cần phải phân định rạch ròi cái nào là đầu tư BOT, cái nào là đầu tư ngân sách. Cứ mập mờ như thế này làm sao người dân, doanh nghiệp vận tải chịu được. Ngoài các loại phí BOT, hàng năm còn phải đóng cả phí bảo trì đường bộ. Cho nên việc này cần phải xem lại”, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam - Nguyễn Văn Thanh kiến nghị.
Hiện nay có nhiều tuyến đường BOT đặt nhầm chỗ: thu phí chỗ này để làm đường chỗ khác, thu phí kiểu tận thu…bị người dân phản ứng gay gắt. Trạm thu phí tuyến QL3 Thái Nguyên – Bắc Kạn cũng do Cienco4 làm chủ đầu tư đang trong tình trạng tương tự, mặc dù chưa thu phí nhưng cũng đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân. Vì lợi nhuận, đơn vị này đã lập trạm thu phí cả đường BOT và đường QL3 cũ để thu phí.