Vướng mắc lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp đang “kẹt cứng” ở mô hình “Zero Covid”. Ảnh minh hoạ
GS. TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nhận định sau khoảng 4 tháng “đóng cửa” để cách ly chống dịch, nền kinh tế ở khu vực phía nam đã “rơi thẳng đứng”.
GDP đang từ 6% ở quý 2 đã rơi xuống -6% trong quý 3-2021. Sự “ra đi” của 10.000 doanh nghiệp đã dẫn đến số lượng lớn người lao động thất nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Cường, thời gian qua, chúng ta đã nhìn thấy năng lực rất lớn của doanh nhân, doanh nghiệp trong việc phòng chống dịch, tự chịu trách nhiệm và quản lý. Vấn đề là phải làm sao để kéo được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cùng đồng hành chống dịch với cả nước nhiều hơn nữa.
“Tôi cho rằng cần thay đổi cấu trúc trong liên kết doanh nghiệp. Dịch bệnh là khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để thay đổi nhiều thứ”, ông Cường phát biểu.
Theo ông, trong bối cảnh này, liệu rằng doanh nghiệp nào sẽ là nguy cơ, doanh nghiệp nào cần tồn tại, cần “vứt bỏ” để chuyển sang chỗ đứng tốt hơn, thay đổi tốt hơn.
Hơn nữa, trong giai đoạn này, nếu doanh nghiệp cần vươn lên cũng cần có nguồn lực bơm vào. Đó chính là sự hỗ trợ của Nhà nước là vốn tín dụng với lãi suất thấp thì doanh nghiệp cũng có nguồn lực lớn để hồi phục.
Nói về những lực cản, nút thắt cản trở sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận định vướng mắc lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp đang “kẹt cứng” ở mô hình “Zero Covid” và cách sống chung an toàn với dịch.
Theo ông Dũng, các bộ, ngành cần đưa ra khuôn khổ rõ ràng, cụ thể về điều này.
Việc phục hồi kinh tế là vấn đề lớn hơn phòng chống dịch Covid-19 nhiều lần. Cần phải gỡ từ các mục tiêu xung đột, mâu thuẫn.
Nếu chúng ta muốn sạch bóng F0 và phát triển kinh tế thì cần phải chấp nhận có các ca Covid-19, nhưng phát bệnh khi năng lực y tế đáp ứng được.
“Tôi cho rằng cần áp đặt một chế độ trách nhiệm cân bằng. Nếu chỉ áp đặt cho cho lãnh đạo địa phương trách nhiệm về việc để xảy ra Covid-19 tràn lan thì họ sẽ không để tâm đến mục tiêu kinh tế. Do đó, cần phải áp đặt cân bằng hai mục tiêu vừa chống Covid-19, vừa phát triển kinh tế”, ông Dũng khẳng định.
Đối với doanh nghiệp, ông Dũng cho rằng có hai vấn đề cần quan tâm.
Thứ nhất là câu chuyện khôi phục mở cửa kinh tế với thế giới, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu. Cần tạo điều kiện đầy đủ cho doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu chứ không thể ngăn cấm hay áp đặt về vấn đề giao thông vì sẽ cản trở việc di chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu vật tư.
“Tôi cho rằng, khi đã tiêm phòng trên toàn diện rộng thì vấn đề Covid-19 lây nhiễm không còn quá nghiêm trọng”, ông Dũng nói.
Thứ hai, là câu chuyện nhân lực công nhân cho doanh nghiệp. Làm thế nào để thu hút họ trở về các thành phố. Đặc biệt, với trách nhiệm của doanh nghiệp bất động sản, phải làm sao để công nhân có nhà ở ổn định ở các khu công nghiệp từ đó an tâm sản xuất kể cả khi xảy ra dịch bệnh khác. Phải biến việc nhà ở cho người lao động sớm thành hiện thực.
TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đề xuất giải pháp “5T” từ Chính phủ.
Thứ nhất là “trợ thở” bằng cách mở cửa. Từ đầu tháng 10 chúng ta đã mở cửa nhưng cần mạnh mẽ hơn nữa chứ không ngập ngừng nửa đóng nửa mở.
Thứ hai là “tiếp máu” cho doanh nghiệp bằng các chính sách tài khoá. Nếu chỉ có ngân hàng giảm lãi suất thì không đạt được kết quả tích cực nhất do đó cần có các chính sách, các quỹ bảo lãnh ngân hàng. Hiện nay, các gói chính sách mới thực hiện được 50%, do đó còn rất nhiều dự địa để tiếp tục hỗ trợ.
Thứ ba là “tháo gỡ” khó khăn vướng mắc, cởi trói chính sách cho doanh nghiệp. Bởi hiện nay, luật pháp còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn ít nhiều phiền hà.
Thứ tư là cần “thúc đẩy nâng cao trình độ” của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ cần tiền, mà cần Nhà nước cần hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ quản trị cho các doanh nghiệp.
Cuối cùng là “tiếp cận thị trường”, chúng ta cần tổ chức xúc tiến qua mạng mạnh mẽ. Trước mắt, phải tính toán phương án “cơm áo gạo tiền”, nhưng ba tháng cuối năm cũng cần quan tâm xanh hóa, xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa. Đề cao tính xã hội của doanh nghiệp, hướng đến phát triển bền vững là cực kỳ cần thiết.
-
World Bank đề xuất tài trợ hơn 11 tỷ USD cho Việt Nam trong vòng 5 năm tới
Sáng ngày 20/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã có buổi tiếp bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia....
-
Việt Nam - Singapore đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp (VSIP) thế hệ mới
Ngày 19/11, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brazil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Singapore Laurence Wong. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận và đề ra các phương hướng tăng cường quan hệ hợp tác song phươ...
-
Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới kim ngạch song phương đạt 150 tỷ USD
Ngày 18/11 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro, Brazil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị....