Luật Xây dựng 2020 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 (Ảnh: TL)
Xóa bỏ sự chồng chéo giữa Luật Xây dựng và một số Luật khác
Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 17/6/2020 với nhiều đổi mới mang tính chiến lược. Đặc biệt, các nội dung mâu thuẫn, chưa đồng bộ giữa Luật Xây dựng với 17 Luật khác cũng đã được tiếp thu, sửa đổi.
Một số nội dung quan trọng như, không thống nhất về khái niệm nhà ở riêng lẻ trong Luật Xây dựng và Luật Nhà ở, không thống nhất về quyền của người sử dụng đất trong việc xây dựng mới nhà ở trong Luật Xây dựng và Luật Đất đai cũng đã được khắc phục.
Cụ thể trước đó, Luật Đất đai yêu cầu người sử dụng đất có nghĩa vụ “sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Quy định này là gây khó cho người dân, vì khi được cấp phép xây dựng là đã bảo đảm đúng quy hoạch, trong khi tính chất của giấy phép xây dựng có thời hạn, như vậy không bảo đảm quyền lợi cho người dân, nhất là ở những khu vực đã có quy hoạch sử dụng đất nhưng địa phương chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Trong thực tiễn có quy hoạch đã được phê duyệt, nhưng chưa được thực hiện. Luật Xây dựng quy định việc cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, cũng theo quy định của Luật Xây dựng những công trình này phải đáp ứng điều kiện phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Các địa phương cho rằng, quy định này của Luật Xây dựng là không khả thi, vì về bản chất những công trình này không phù hợp với quy hoạch xây dựng nên không thể phù hợp với mục đích sử dụng đất.
Một số quy định gây bất cập trong Luật Xây dựng năm 2014 như chưa quy định đảm bảo thực hiện đồng thời song song các thủ tục như: Thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công với cấp giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, thẩm định về công nghệ dẫn đến thời gian chuẩn bị dự án, cấp giấy phép xây dựng còn kéo dài.
Về việc quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn Nhà nước, Luật Xây dựng năm 2014 chưa phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm thẩm định giữa người quyết định đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng và chủ đầu tư dự án, thực tế chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế thường có tư tưởng ý lại, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm soát chất lượng hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế trước khi trình thẩm định dẫn đến hồ sơ chất lượng thấp, thời gian thẩm định kéo dài.
Đặc biệt là sự thiếu đồng bộ, nhất quán giữa Luật Xây dựng năm 2014 và Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công về nguồn vốn đầu tư, như: Luật Xây dựng năm 2014 quy định vốn Nhà nước gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn Nhà nước ngoài ngân sách không thống nhất về phạm vi điều chỉnh với vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, qua quá trình sửa đổi, bổ sung, Luật Xây dựng năm 2020 đã khắc phục được hầu hết những bất cập này.
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai có kiến nghị Thủ tướng một số nội dung liên quan đến sự chồng chéo giữa Luật Xây dựng với các Luật khác như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở. Cụ thể là chưa có sự thống nhất về khái niệm “nhà đầu tư”, “chủ đầu tư”.
Trả lời việc này, Bộ Xây dựng cho rằng, pháp luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản hiện hành không có quy định về khái niệm “nhà đầu tư” mà chỉ có khái niệm “chủ đầu tư”; pháp luật về đầu tư lại chỉ có khái niệm “nhà đầu tư” dẫn đến sự không thống nhất, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Do vậy, khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung Điều 7 Luật Xây dựng năm 2014, làm rõ mối quan hệ giữa “nhà đầu tư” và “chủ đầu tư”, trường hợp nào “nhà đầu tư” trở thành “chủ đầu tư” bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Như vậy là không có sự chồng chéo giữa các Luật.
Cần sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn
Thực tế hiện nay có việc Luật ra rồi nhưng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn còn chậm ban hành dẫn đến những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai Luật.
Chia sẻ về những vướng mắc này, ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết: Các quy định của pháp luật về quản lý xây dựng cơ bản của nước ta hiện nay còn phức tạp, quy định chồng chéo, khó triển khai thực hiện và còn nhiều điểm nghẽn. Công tác quản lý chi phí đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước tuy chặt chẽ nhưng phức tạp như hệ thống chính sách, định mức, đơn giá xây dựng dẫn đến việc lập và quản lý dự toán công trình mất nhiều thời gian, công sức làm chậm thời gian triển khai thực hiện dự án đầu tư công.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, đối với công tác quản lý chi phí cần nghiên cứu theo hướng đơn giản hóa các quy định về lập dự toán công trình ví dụ như xác định dự toán theo suất vốn đầu tư, đơn giá xây dựng tổng hợp được cơ quan có thẩm quyền công bố hàng tháng phù hợp với giá thị trường; đồng thời quản lý chặt chẽ công tác đấu thầu đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu có sai phạm là giải pháp đẩy nhanh thời gian chuẩn bị dự án và giải ngân vốn đầu tư công hiện nay.
“Hiện nay, Luật Xây dựng đã được sửa đổi ban hành. Tuy nhiên, cho đến nay các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chậm được ban hành là khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước trong thời gian tới. Để quá trình triển khai, thực hiện luật có hiệu quả, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định, Bộ Xây dựng cần sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn”.
Theo Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Tuy nhiên, để sớm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, một số nội dung sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2020.
Cụ thể, khoản 2, Điều 3, Luật Xây dựng số 62 nêu rõ: Các quy định của Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2020: “a) Quy định tại khoản 13, Điều 1 về thẩm quyền thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư; b) Quy định tại khoản 30, Điều 1 về miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng; c) Quy định tại khoản 37, Điều 1 về bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt; d) Quy định tại điểm d và điểm đ, khoản 3, Điều này”.
-
Từ 1/1/2021, trường hợp nào miễn giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ?
CafeLand – Theo Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, quy định về miễn giấy phép xây dựng nhà ở có sự thay đổi, nhiều trường hợp xây dựng tại nông thôn phải có giấy phép xây dựng.