Luật ban hành thi nhau sai sót
Ngay khi Bộ Xây dựng đưa ra dự thảo và lấy ý kiến một số dự luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Ảnh minh họa: KL
Sau một thời gian dài phát sinh nhiều tiêu cực gây khó khăn và bức xúc cho người dân, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành, lấy ý kiến hàng loạt dự luật quan trọng có ảnh hưởng lớn đến thị trường nhà đất. Có thể nói, động thái này là biện pháp kịp thời của cơ quan quản lý nhằm chấn chỉnh lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản vốn phát sinh nhiều tiêu cực và hệ luỵ nan giải xảy ra trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ngay khi Bộ Xây dựng đưa ra dự thảo và lấy ý kiến một số dự luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Điển hình cho thực trạng trên, trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có quy định, cá nhân trong nước và nước ngoài hành nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam phải có thẻ hành nghề môi giới bất động sản với trình độ từ đại học trở lên. Quy định này đã vấp phải nhiều luồng ý kiến khác nhau, có người ủng hộ, người phản đối nhưng phần lớn đều nhận định đòi hỏi này là chưa sát thực tế hiện nay.
Theo ông Huỳnh Anh Dũng, Giảng viên cao cấp của hội đồng chuyên gia CRS Hoa Kỳ, “Ông rất tán thành dự thảo về vấn đề này để nâng cao vai trò cũng như trình độ văn hóa của bộ phận môi giới để những người làm môi giới chuyên nghiệp hơn”. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của bạn đọc CafeLand lại cho thấy một thực tế khác của nghề môi giới bất động sản. Liệu một tấm bằng đại học có thật sự cần thiết để hành nghề môi giới nhà đất trong hiện tại và tương lai?
Theo đó, bạn đọc Sỹ Nguyên đã có nhận định khá thẳng thắn về vấn đề trên, “Cho rằng môi giới bất động sản hiện nay không phải do chưa được đào tạo bài bản chuyên môn nên mới dẫn đến hiện tượng làm giá, lừa đảo. Tất cả đều là do lương tâm làm việc của những người làm nghề thôi. Chắc gì một người có bằng đại học thì người đó sẽ có đạo đức tốt hơn những người không có bằng. Do đó theo tôi thấy việc đem bằng đại học để làm điều kiện để hành nghề là không liên quan.”
Bên cạnh đó, bạn đọc Quốc Tuấn lại có một cái nhìn khác, “Theo mình, yêu cầu môi giới có bằng đại học cũng chẳng có gì sai, chỉ có điều quy định này khá nặng tính hình thức. Trong khi đó, nhà đầu tư chỉ cần người nhiều kinh nghiệm, tư vấn hợp lý cho khách hàng... Do đó, trong giai đoạn này chưa nên nghĩ đến chuyện nâng cấp môi giới bằng mấy cái giấy tờ, mà chỉ cần chú ý đến việc nâng cao chuyên môn bằng những lớp ngắn ngày và quan trọng là thường xuyên cảnh báo thị trường, nâng cao nhận thức đánh giá của chính những nhà đầu tư để họ tự biết chọn lọc vàng thau trong một rừng các nhà môi giới thật giả lẫn lộn. Hãy để thị trường sàng lọc…”
Mặt khác, trong dự thảo Luật Nhà ở cũng từng gây ra tranh cãi mạnh mẽ với quy định điều chỉnh cấm dùng nhà ở vào mục đích kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm như: Nhà nghỉ, quán bar, vũ trường, quán karaoke, vật liệu dễ gây cháy, nổ, gas… Mặc dù sau đó, những thay đổi này đã được Bộ Xây dựng loại bỏ ra khỏi dự thảo.
Luật “đá” luật!
“Không quản thì loạn mà quản kỹ quá cũng không xong” chính là thực trạng hiện nay trong việc quản lý thị trường nhà đất nước ta. Ảnh minh họa: KL
Một nghịch lý trớ trêu khi Chính phủ ban hành Nghị định 121/2013/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 30/11/2013, trong đó lại quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư như: Kinh doanh nhà hàng, karaoke, vũ trường; Sửa chữa xe máy; Kinh doanh gia súc, gia cầm; Hoạt động giết mổ gia súc; Kinh doanh gas hoặc các vật liệu nổ, dễ cháy!
Sự mâu thuẫn trên một lần nữa gây bức xúc và tranh cãi trong dư luận gần 1 tháng qua. Bởi lẽ, những hành vi bị xử phạt hành chính trong Nghị định 121 lại được Bộ Xây dựng loại bỏ khỏi dự thảo Luật Nhà ở ngay sau khi tiếp thu ý kiến của nhân dân trước đó?!
Ngoài ra, Nghị định 121 còn vấp phải vô số ý kiến chỉ trích của dư luận trong một số quy định mới như: Cho tồn tại công trình xây dựng không phép, phạt tiền nếu không công khai thông tin dự án… Riêng vấn đề cho tồn tại công trình xây dựng không phép đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân. Bởi lẽ, tình trạng xây dựng nhà ở không phép đã diễn ra tràn lan ở nhiều nơi, trong thời gian dài làm đau đầu nhiều cấp quản lý. Ở khía cạnh khác, việc cho đóng phạt để công trình không phép được tồn tại đã làm dấy lên lo ngại vấn nạn xây nhà “chui” sẽ càng thêm nan giải.
“Bức xúc” Luật Kinh doanh bất động sản
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã tiến hành trưng cầu ý kiến về một số thay đổi trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản. Trong đó, thu hút nhiều ý kiến tranh luận nhất chính là quy định “tổ chức, cá nhân được lựa chọn giao làm chủ đầu tư dự án phải ký quỹ cam kết thực hiện”. Điều này được Bộ Xây dựng lý giải là nhằm hạn chế tình trạng bán nhà trên giấy. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nhận định, việc bắt buộc chủ đầu tư phải ký quỹ khi thực hiện dự án trong thời gian này lại càng tăng thêm gánh nặng và khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, thị trường nhà đất hiện nay đang rất bi đát, doanh nghiệp thiếu vốn, nợ ngân hàng rất lớn.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, về vấn đề quy định mức phí ký quỹ "Nếu đưa ra quá nhiều thì không khác nào đánh đố chủ đầu tư trong bối cảnh hiện tại. Còn yêu cầu ký quỹ mức thấp quá thì chẳng ăn thua".
“Không quản thì loạn mà quản kỹ quá cũng không xong” chính là thực trạng hiện nay trong việc quản lý thị trường nhà đất nước ta. Thiết nghĩ, Chính phủ cùng các cơ quan quản lý đầu ngành cần có những hoạch định và chính sách mang tính lâu dài và sát thực tế hơn nữa. Thị trường bất động sản, nhà ở đang ở trong giai đoạn tự đào thải và sàng lọc khắc nghiệt. Doanh nghiệp bất động sản đa phần đều rơi vào cảnh lao đao, tháo chạy hay chuyển hướng đầu tư. Do đó, việc Chính phủ và Bộ Xây dựng ban hành hàng loạt quy định mới trong thời điểm nhạy cảm này có thể làm hạn chế hiệu quả và tạo thêm khó khăn cho sự phục hồi của thị trường hiện nay.