Phối cảnh dự án Viet-Inc
Quyền hợp tác: một vốn bốn, năm lời
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có quyết định giao cho CTCP Đầu tư tài chính và bất động sản Việt Nam (Viet-Inc) thực hiện Dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc với tổng diện tích hơn 100.000 m2, với 34.000 m2 đất ở, bao gồm biệt thự và nhà ở hỗn hợp cao 35 tầng…
Nhưng sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thì dự án này phải dừng triển khai để rà soát lại quy hoạch, khớp nối thống nhất với quy hoạch chung của Hà Nội.
Trong quá trình đó, dự án đã có nhiều biến động ở phía chủ đầu tư. Năm 2009, Công ty Viet-Inc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Hải để xây dựng dự án này. Công ty Hưng Hải trả cho Công ty Viet-Inc là 57 tỷ đồng để được hưởng 90% quyền thực hiện dự án, Công ty Viet-Inc chỉ sở hữu 10%.
Năm 2010, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TST do Phạm Mạnh Cường làm Giám đốc đã thương thảo để mua lại 90% quyền sở hữu dự án của Công ty Hưng Hải. Người thúc đẩy thương vụ này là Nguyễn Thị Minh Thương, nhân viên của Công ty TST.
Để sở hữu 90% dự án Viet-Inc, Công ty TST đã phải trả 295 tỷ đồng cho Công ty Hưng Hải, gấp 5 lần so với số tiền Công ty Hưng Hải bỏ ra. Tiếp đó, Công ty TST đã thành lập Ban Quản lý dự án và giao cho Nguyễn Thị Minh Thương làm Trưởng ban quản lý, toàn quyền thực hiện dự án.
“Mỡ nó rán nó”
Nguyễn Thị Minh Thương đã lập báo cáo và phân tích tính khả thi của dự án. Theo đó, nếu thực hiện theo đúng quy hoạch ban đầu, tổng số tiền thu được hơn 1.000 tỷ đồng. Nhưng nếu thay đổi quy hoạch, chủ yếu là bán nhà liền kề thì số tiền thu được lên đến 1.230 tỷ đồng, trừ các chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 405 tỷ đồng.
Để thu được lợi nhuận cao Phạm Mạnh Cường đã đồng ý với phương án mà Nguyễn Thị Minh Thương đưa ra, thuê vẽ bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 gồm 5 lô đất liền kề, 1 lô đất nhà vườn, ngoài ra là nhà ở hỗn hợp cao tầng… để đưa ra bán qua các sàn bất động sản.
Khi giao dịch với các sàn bất động sản và người mua, Thương giới thiệu dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng, đang san lấp, dự án này là dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh mở rộng…
Cùng thời gian này, Công ty TST đang hợp tác xây dựng dự án Khu nhà ở cán bộ chiến sỹ Tổng cục V (Bộ Công an) nên nhiều người tin tưởng nộp tiền mua đất.
Tổng cộng có 158 người đã ký 176 hợp đồng mua 178 lô đất và nộp hơn 280 tỷ đồng. Khách hàng phải nộp trước 50% giá trị hợp đồng, tiền chênh từ 20 - 80 triệu đồng (không có giấy tờ chứng minh). Giá đất từ 37 - 39 triệu đồng/m2. Hợp đồng ký xong được niêm phong lại, hẹn 1 năm sau mới mở ra, nhận đất và thanh toán nốt số tiền còn lại.
Thực chất, dự án Viet-Inc chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền, chưa giải phóng mặt bằng, Công ty TST không phải chủ đầu tư, không được phép huy động vốn và trong quy hoạch dự án không có nhà liền kề.
Trong số 280 tỷ đồng khách hàng nộp vào, Công ty TST đưa 249 tỷ đồng cho Thương để trả tiền cho Công ty Hưng Hải (trả tiền mua 90% quyền sở hữu dự án). Thương đã chuyển cho Công ty Hưng Hải hơn 248 tỷ đồng.
Đáng chú ý, quá trình làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra, ông Mai Thạch Kim, Giám đốc Công ty Hưng Hải cho rằng, hợp đồng giữa Công ty Hưng Hải và Công ty TST là hợp đồng chuyển nhượng quyền hợp tác, không phải mua bán dự án, không trái pháp luật. Việc Công ty TST huy động vốn trái phép, ông Kim không biết và không đồng ý trả lại số tiền 248,7 tỷ đồng đã nhận.
Được biết, đến nay mới chỉ có 85/176 cá nhân ến trình báo tại cơ quan công. Số tiền thiệt hại của 85 người này là 162 tỷ đồng, trong đó Phạm Mạnh Cường đã trả được 21,9 tỷ đồng.