Nghìn tỷ mắc cạn
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng tính đến 31/5/2014, tổng số vốn cam kết cho vay của gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng là 3.954,4 tỷ đồng, đạt 13,2%. Mặc dù theo Bộ Xây dựng, tốc độ giải ngân trong 5 tháng đầu năm 2014 đã tăng rất nhanh, nhưng nếu so mới mục tiêu là phải hoàn thành trong 3 năm thì lại… quá chậm.
Còn nhớ, khi mới bắt đầu triển khai (tháng 6/2013) nhiều người đã kỳ vọng 30.000 tỷ sẽ tạo ra cú hích cho thị trường bất động sản đang dần xuống đáy. Nhưng rồi đến nay, sau hơn 1 năm triển khai gói tín dụng nghìn tỷ vẫn chỉ dừng lại ở những con số rất khiêm tốn.
Những “nút thắt” gây ách tắc việc giải ngân đã được mổ xẻ và tìm phương án khắc phục nhưng cho đến nay khách hàng vẫn khó tiếp cận với gói tín dụng này. Thêm vào đó nguồn cung căn hộ phù hợp với điều kiện vay gói tín dụng hiện vẫn còn khá hạn chế.
Người mua nhà khó tiếp cận được với những gói hỗ trợ nghìn tỷ
Khi gói tín dụng 30.000 tỷ đang loay hoay với những điểm thắt thì vào khoảng tháng 3/2014, thị trường bất động sản tiếp tục đón nhận thông tin về gói tín dụng 50.000 tỷ. Đây là gói liên kết bốn nhà gồm ngân hàng, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và nhà cung cấp vật liệu.
Gói liên kết này được Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và tập đoàn Thiên Thanh khởi xướng, và mới đây đã có 8 ngân hàng tham gia cho vay để gỡ khó cho thị trường bất động sản. Vận hành trong vòng khép kín từ nguồn vốn, vật liệu xây dựng đến các dịch vụ liên quan. Doanh nghiệp muốn tham gia phải sử dụng vật liệu và dịch vụ trong chuỗi liên kết này. Chính điều này khiến cho doanh nghiệp e ngại có thể phát sinh những rủi ro, bất trắc.
Theo ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất lành, gói 50.000 tỷ đến thời điểm này gần như đã bị “chết yểu”. Ông Đực cho biết, Đất Lành là 1 trong 2 doanh nghiệp của TP. HCM đã ký biên bản ghi nhớ nhưng khi ký xong rồi đến 2 tháng sau vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Trong lúc khó khăn quá có 2 doanh nghiệp đề nghị mua dự án và chúng ta đã không thể chờ đợi thêm được nữa phải phụ lòng với gói 50.000 tỷ.
Trên thực tế, theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, sau vài tháng triển khai chưa có doanh nghiệp nào trong hiệp hội vay được vốn từ gói tín dụng 50.000 tỉ đồng.
Đánh giá về mô hình này ông Châu nêu ý kiến mô hình chuỗi liên kết 4 nhà để sử dụng đồng vốn hiệu quả, đúng mục đích và hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn là rất đáng hoan nghênh. Nhưng nếu hiệu quả này giúp lợi nhuận của nhà tổ chức tăng lên thay vì hiệu quả chuyển sang việc giảm giá thành sản phẩm thì tôi không ủng hộ.
Không còn mặn mà
Liên tiếp những gói tín dụng được tung ra với hy vọng giúp “hà hơi thổi ngạt” cho thị trường bất động sản trong cơn bế tắc nhưng nhìn nhận từ thực tế chính những gói tín dụng này lại đang có điểm tắc khiến nghìn tỷ bị “mắc cạn”.
Với gói tín dụng 30.000 tỷ, Bộ Xây dựng vẫn đang nỗ lực tháo gỡ dần những bất cập nhằm tạo sự khai thông trong thực tế triển khai. Để “khai thông” gói 30.000 tỷ, ông Nguyễn Văn Đực nêu ý kiến, về mặt xây dựng cần mạnh dạn cho việc chia nhỏ căn hộ của doanh nghiệp. Cũng không nên cứng nhắc trong việc quy định ở 2 con số là dưới 70m2, giá dưới 15 triệu mà cần có sự “mở cửa” linh hoạt trong ngưỡng 1.500.000.000 đồng/căn.
“Tuy nhiên cũng phải nói thẳng thắn rằng bây giờ có một gói nghìn tỷ nào nữa tung ra thì khách hàng cũng sẽ không còn mấy tin tưởng nữa. Phương châm của doanh nghiệp chúng tôi vẫn là phải tự mình cứu sống mình” – ông Đực nói.
Sau gói 30.000 tỷ, 50.000 tỷ liệu sẽ còn những gói tín dụng nghìn tỷ nào nữa kỳ vọng tạo ra “cú hích” cho thị trường bất động sản? Dẫu biết rằng trong những lúc thị trường khó khăn như hiện nay tiền là điều rất cần với cả người mua nhà và doanh nghiệp, nhưng việc khách hàng không mặn mà với những gói nghìn tỷ cũng là vấn đề đáng để những nhà quản lý xem xét.