Hình ảnh mô tả vị trí của dự án Time Square Hanoi - Khu đất khoanh màu đỏ.
Câu chuyện quỹ đầu tư VinaCapital mắc kẹt cùng với siêu dự án Time Square (Hà Nội) suốt 7 năm qua vẫn khiến dư luận và giới đầu tư phải chú ý.
Time Square Hanoi tọa lạc tại mặt đường Phạm Hùng, đối diện Trung tâm Hội nghị Quốc gia, liền kề Trung tâm mua sắm Big C Thăng Long, một vị trí đắc địa tại Thủ đô Hà Nội.
Dự án do Công ty TNHH Thăng Long Property là chủ đầu tư, đây là một liên doanh giữa Công ty Vindemia Property Limited (thuộc Tập đoàn VinaCapital) và Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC (gọi tắt là Thăng Long GTC).
Time Square được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 40.000m2, đây chính là mảnh đất do Thăng Long GTC sở hữu.
Khi thành lập liên doanh đầu tư Time Square, khu đất này đã được Thăng Long GTC sử dụng để góp vốn vào Công ty TNHH Thăng Long Property với tổng vốn điều lệ 15 triệu USD.
Trong đó, Thăng Long GTC nắm giữ 35%, góp bằng giá trị quyền sử dụng 40.000 m2 đất nói trên và tiền mặt trị giá hơn 3,64 triệu USD.
65% cổ phần còn lại thuộc về Công ty Vindemia Property Limited (thuộc VinaCapital). Liên doanh này có thời hạn 42 năm kể từ ngày được UBND TP. Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư vào 9/5/2008.
Theo thiết kế ban đầu, Time Square Hanoi là khu phức hợp bao gồm cụm tháp văn phòng hạng A diện tích 20.000 m2, khách sạn 5 sao 300 phòng và trung tâm bán lẻ cao cấp.
Dự án có tổng mức đầu tư 50 triệu USD, thời gian triển khai dự kiến từ năm 2008 đến 2011. Cuối năm 2008, chủ đầu tư cũng đã tiến hành lễ động thổ siêu dự án này.
Tuy nhiên, suốt 7 năm qua dự án gần như bất động, không có hạng mục đáng kể nào được thi công xây dựng, bỏ hoang cho cỏ mọc, là nơi đổ rác thải, phế liệu…
Theo một tài liệu gần đây của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tiết lộ, chủ đầu tư dự án đang xin Bộ Xây dựng cấp phép lại quy hoạch trong đó sẽ chuyển một phần thành căn hộ cao cấp.
Với nhiều lợi thế như vậy nhưng dự án vẫn bất động nhiều năm liền khiến cho cả dư luận và giới đầu tư không khỏi băn khoăn.
Mặc dù nguyên nhân cụ thể về việc bỏ hoang dự án suốt 7 năm trời chưa từng được liên doanh chủ đầu tư trực tiếp công bố ra truyền thông.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về đầu tư bất động sản cho rằng, bên cạnh lý do đổ cho thị trường bất động sản đi xuống trong vài năm qua, vấn đề nội tại của liên doanh chủ đầu tư cũng khiến dự án tiếp tục gặp khó.
Cụ thể, trong cơ cấu liên doanh, Thăng Long GTC chỉ sở hữu 35%, việc tỷ lệ sở hữu thấp như vậy đã gây khó khăn cho công ty này do không nắm được quyền điều hành.
Việc có khởi động lại và phát triển dự án này hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết định đầu tư của VinaCapital
Giới đầu tư vẫn đang chờ đợi vào một động thái mới từ dự án này trong tương lai gần.