Chưa thấy người lao động được tham gia
Đánh giá chung về chương trình nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Văn Danh khẳng định: TPHCM có nhiều nỗ lực đầu tư nhà ở xã hội với phương thức rất đặc biệt, hiệu quả và được Trung ương đánh giá cao, đó là hoán đổi quyền sử dụng đất lấy quỹ nhà để phục vụ nhu cầu nhà ở xã hội. Từ năm 2006 đến 2010, TP hoàn chỉnh 46 dự án phát triển quỹ nhà ở xã hội với quy mô khoảng 8.000 căn. Hiện, TP đang tập trung các nguồn lực để hoàn thành tiếp 31 dự án với quy mô khoảng 29.000 căn hộ. Tuy nhiên, ông Danh nhìn nhận, dù TP đã nỗ lực rất nhiều nhưng chỉ mới giải quyết được 30% nhu cầu bức xúc.
Trong khi, theo Nghị định 34 của Chính phủ, đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội được mở rộng, do vậy áp lực về nhà ở xã hội trên địa bàn TP rất lớn. Bên cạnh đó, các chính sách đầu tư nhà ở xã hội chưa có sức hấp dẫn cao nên chưa khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Phía nhà nước, quỹ đất công còn ít, nếu có cũng rất manh mún nên không xây dựng được các dự án tập trung; nguồn vốn ngân sách khó khăn nên chủ yếu tập trung các công trình trọng điểm. Về phía khách hàng, mức thu nhập của đối tượng thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội rất thấp.
“Phần lớn các đối tượng được xét duyệt thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa có khả năng chi trả 20% giá trị căn hộ ban đầu vì các đối tượng vẫn chưa tiếp cận được nguồn tài chính cho vay dài hạn với nguồn lãi suất ưu đãi”, ông Danh nhận định. Cùng nhìn nhận này, bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP, băn khoăn: dù nhà nước có chính sách ưu đãi nhưng vẫn còn khá cao so với thu nhập của phần lớn cán bộ công nhân viên chức, lao động.
Nhiều nguồn tạo quỹ đất nhà ở xã hội
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP, Nghị quyết 02 của Chính phủ đưa ra gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, trong đó có 21.000 tỷ đồng dành cho người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Cả nước chỉ mới giải ngân 3% gói tín dụng này. Còn TP chỉ mới có 210 người được ký hợp đồng vay với giá trị vay 120 tỷ đồng và giải ngân mới được 49 tỷ đồng nên đây là những con số quá khiêm tốn.
Để tạo nguồn quỹ nhà ở xã hội, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, cho rằng, cùng với các sở ngành, sở sẽ đề xuất TP kiến nghị Chính phủ không chỉ dự án đầu tư có quy mô trên 10ha mới điều tiết 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội, mà tất cả dự án đầu tư của doanh nghiệp đều phải thực hiện nghĩa vụ này. Ngoài ra, TP sẽ kiến nghị Trung ương xây dựng chung cư nhà ở xã hội không dừng lại chỉ 6 tầng mà cao hơn nữa.
Thực hiện Nghị quyết 16 của HĐND TP vừa qua, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã rà soát toàn bộ dự án trên địa bàn TP từ năm 2001 đến 2010 thì số dự án được chấp thuận địa điểm trên 150 dự án chủ đầu tư đã bồi thường mặt bằng dở dang hoặc đã bồi thường, nhưng vốn và năng lực chủ đầu tư không có nên tạm ngưng. Đây là nguồn mà TP cần tạo điều kiện để kích thích các nhà đầu tư tham gia nhà ở xã hội. Mặt khác, trên 150 dự án này nằm rải rác khắp các địa bàn nên TP cần chọn một số dự án thuận lợi để thực hiện nhà ở xã hội. Vấn đề còn lại là nguồn vốn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 09, hiện có trên 100 khu đất doanh nghiệp đang quản lý của nhà nước. Trước đây, các doanh nghiệp này xin chuyển mục đích sang nhà ở và các mục đích khác. Nhưng đến nay, các dự án này chưa khởi động. Do vậy, sẽ tiến hành rà soát lại danh sách, trường hợp doanh nghiệp không đủ năng lực đầu tư, sẽ kiến nghị lựa chọn một số khu tạo nguồn cho quỹ nhà ở xã hội. Công tác này sẽ hoàn tất vào quý 1-2014.
Để thực hiện chỉ tiêu đầu tư hơn 20.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2013 đến 2015, riêng năm 2013 giải quyết 3.000 căn, giải pháp của Sở Xây dựng là những tháng còn lại năm 2013, sẽ tập trung hoàn thành, đưa vào sử dụng 11 dự án với quy mô 3.000 căn; trong đó 2.435 căn hộ cho thuê và thuê mua thuộc 9 dự án, bán 562 căn nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn doanh nghiệp. |