Trong khi các dự án khu đô thị mới (KĐTM) mọc lên như nấm, các chủ đầu tư đã và đang thu khoản lợi nhuận kếch xù từ các dự án, thì các đô thị lớn vẫn loay hoay trong việc tạo nguồn vốn cho phát triển hạ tầng đô thị. Nghịch lý này một phần xuất phát từ việc thiếu những quy định pháp luật về điều tiết lợi nhuận từ phát triển đất cho ngân sách nhà nước.

Lợi nhuận từ đất đổ vào túi chủ đầu tư
Ảnh minh họa

Chủ đầu tư đang "một mình một cõi"

Nghị định 02/2006/NĐ - CP ngày 5/1/2006 của Chính phủ về Quy chế KĐTM được ban hành đã 5 năm nhưng đến nay, công tác đấu thầu giao chủ đầu tư dự án phát triển KĐTM vẫn không thể thực hiện được do thiếu các tiêu chí xác định đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng. Điều này làm hạn chế rất nhiều hiệu quả kinh tế từ việc phát triển quỹ đất, gây thất thu ngân sách.

Bên cạnh đó, theo bà Phan Thị Mỹ Linh, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), các quy định trong Nghị định 02/CP mới tập trung vào việc quản lý và thực hiện của từng dự án KĐTM. Vì vậy, tiến độ đầu tư xây dựng của dự án thường không gắn kết chặt chẽ với tiến độ đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đô thị của toàn bộ khu vực xung quanh. Ngay trong phạm vi dự án, tiến độ xây dựng công trình nhà ở cũng không đồng bộ với tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng.

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các khu đô thị cũng làm giảm đáng kể diện tích đất canh tác nông nghiệp, cạn kiệt nguồn tài nguyên đất đai của các đô thị, nhưng lợi nhuận thu được từ phát triển các KĐTM chủ yếu thuộc về nhà đầu tư.

Đặc biệt, công tác bàn giao các công trình hạ tầng cho chính quyền địa phương sau khi hoàn thành dự án, bàn giao công tác quản lý hành chính các khu vực dân cư mới hầu như không được các chủ đầu tư thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo bà Mỹ Linh, trước hết vẫn là do hệ thống văn bản không có sự thống nhất trong quy định và hướng dẫn thực hiện. Các chế tài về xử lý vi phạm vẫn còn chưa đủ mạnh. Các đô thị còn thiếu một cơ quan quản lý thống nhất giám sát quá trình đầu tư xây dựng của các dự án.

Sẽ có quy định phân phối lại lợi nhuận

Để khắc phục những bất cập trong công tác đầu tư xây dựng và phát triển đô thị thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng dự thảo nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị nhằm thay thế Nghị định 02/CP ngay trong năm 2011 này.

Một trong những điểm mới cơ bản của dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 02/2006 là việc giao cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị với chức năng quản lý khu vực phát triển đô thị và tổ chức lập kế hoạch phát triển khu vực đô thị. Đặc biệt là kế hoạch phát triển đô thị được công bố công khai cho các chủ đầu tư và người dân biết để tham gia đầu tư dự án.

Nhằm tăng cường khả năng thực thi dự án của các chủ đầu tư, dự thảo nghị định đã quy định chặt chẽ về năng lực tài chính đối với chủ đầu tư cấp I là doanh nghiệp, ngoài các yêu cầu khác về chuyên môn, nhằm đảm bảo khả năng thực hiện dự án, chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu đưa vào dự án ít nhất 20% tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng dự án và có văn bản xác nhận của ngân hàng đảm bảo cấp đủ vốn cho việc thực hiện dự án.

Dự thảo nghị định cũng quy định rõ về đầu tư phát triển nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư đối với dự án quy mô 10 héc-ta trở lên như ngoài diện tích đất bắt buộc dành cho xây dựng nhà ở xã hội là 20% diện tích xây dựng nhà ở, chủ đầu tư phải dành tỷ lệ diện tích để đầu tư nhà cho thuê...

Đặc biệt, đối với dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật được yêu cầu đảm bảo đúng tiến độ, thống nhất với khu vực. Nhà nước có thể là chủ đầu tư hoặc giao cho chủ đầu tư khác và sẽ khấu trừ nghĩa vụ tài chính hoặc công nhận quyền sở hữu công trình. Các công trình hạ tầng xã hội được yêu cầu xây dựng cùng tiến độ với các dự án nhà ở để đảm bảo phát triển đồng bộ khu vực.

Theo M.Nhật (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.