Kết quả kinh doanh năm 2015 của các doanh nghiệp niêm yết ngành thép tạo nên một bức tranh với nhiều màu sắc tương phản khi hầu hết các doanh nghiệp lớn đều thu về những khoản lợi nhuận ấn tượng, thì nhiều doanh nghiệp nhỏ lại rơi vào tình cảnh hoàn toàn trái ngược.
Ngành thép đang chịu sức ép lớn từ thép nhập khẩu. Ảnh: ST.

"Ông lớn" lãi to

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đạt 565 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý 4-2015, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2014. Theo ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Hòa Phát, trong kỳ, các ngành hàng sản xuất kinh doanh đều hoạt động ổn định về mặt chất lượng và tăng khoảng 10% về mặt sản lượng, đặc biệt là ngành hàng sản xuất ống thép. Cụ thể, sản lượng sản phẩm ống thép của công ty đã tăng 48% so với quý IV-2014. Lũy kế cả năm 2015, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Hòa Phát đạt 3.504 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2014. Đây được đánh giá là mức lợi nhuận rất ấn tượng trong bối cảnh tình hình kinh doanh chung của ngành thép không mấy khả quan trong năm qua.

Một "ông lớn" khác của ngành thép là Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, dù doanh thu thuần giảm 11,4% so với quý IV-2014, nhưng vẫn thu về 187 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý IV-2015, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Theo Phó Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Trần Ngọc Chu, dù doanh thu thuần giảm 501 tỷ đồng, nhưng do giá vốn hàng bán giảm mạnh tới gần 661 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp trong kỳ vẫn tăng thêm 159 tỷ đồng, tương đương 32,5%.

Tương tự như Hoa Sen, doanh thu thuần trong quý IV-2015 của Công ty CP Thép Pomina cũng giảm 22% so với cùng kỳ năm 2014. Song nhờ giá vốn giảm mạnh hơn, với mức giảm trên 25%, đã giúp gia tăng lợi nhuận gộp của công ty thêm 54% so với quý IV-2014. Sau khi trừ các chi phí, Pomina đạt 6,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý IV-2015, trong khi đó, quý IV-2014 công ty lỗ 5,3 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2015, Pomina đạt 25,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (năm 2014 công ty lỗ 25,3 tỷ đồng).

DN nhỏ chịu sức ép từ hàng nhập khẩu

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ trong ngành thép lại rơi vào tình cảnh thua lỗ. Tiêu biểu là Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên lỗ hơn 186 tỷ đồng trong quý IV-2015. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của công ty, trong kỳ, doanh thu thuần đạt được gần 1.262 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại lên tới 1.389 tỷ đồng, tăng gần 30%, khiến lợi nhuận gộp âm hơn 127 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty, giá sắt thép chịu ảnh hưởng từ việc giá thép thế giới giảm, cùng với việc trích dự phòng hàng hóa tồn kho chính là nguyên nhân khiến lợi nhuận gộp trong kỳ giảm. Cùng với đó, do chính sách nới lỏng cho vay và giảm lãi suất của các ngân hàng, nên công ty vay được nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước, khiến chi phí lãi vay trong kỳ cũng tăng lên hơn 4 tỷ đồng Lũy kế cả năm 2015, Thép Tiến Lên lỗ 173 tỷ đồng, trong khi năm 2014 công ty có lãi 74 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Kim Khí TP.HCM cũng lỗ hơn 39 tỷ đồng trong quý IV-2015, trong khi cùng kỳ năm trước, công ty lãi 5,4 tỷ đồng. Theo ông Đặng Huy Hiệp, Tổng giám đốc công ty, trong năm 2015, mặt hàng chủ lực của công ty là thép tấm, thép lá nhập khẩu bị giảm giá liên tục. Cụ thể, đầu năm 2015, giá nhập thép tấm ở mức 480 USD/MT, nhưng đến tháng 12-2015 chỉ còn 250-260 USD/MT, giảm 45% so với giá đầu năm. Giá bán trên thị trường trong nước cũng được điều chỉnh rất nhanh theo giá hàng nhập mới. Khi giá xuống, việc tiêu thụ hàng hóa khó khăn, lượng tiêu thụ bị sụt giảm dẫn đến kinh doanh hàng nhập khẩu không có hiệu quả. Thêm vào đó, công ty còn tồn đọng một lượng tương đối lớn hàng tồn khi từ các quý trước có giá vốn cao. Việc tiêu thụ hàng tồn kho cũng gây lỗ lớn trong việc kinh doanh của công ty. Theo ông Hiệp, trong kỳ, ban điều hành công ty đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy kinh doanh, song những cố gắng đó cũng chỉ giúp hạn chế phần nào mức lỗ của công ty trước những diễn biến khó lường của thị trường thép dẹt.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2015, Việt Nam nhập khẩu khoảng 13,7 triệu tấn các sản phẩm thép thành phẩm, tăng trên 22% so với năm 2014. Trong đó, nhập khẩu phôi thép tăng tới 198% so với năm 2014, nhập khẩu tôn mạ kim loại và sơn phủ màu cũng tăng trên 87%. Đáng chú ý, lượng thép Trung Quốc vào Việt Nam năm 2015 khoảng hơn 8,4 triệu tấn, giá trị hơn 3,7 tỷ USD và chiếm tỷ trọng khoảng hơn 60%. Lượng thép Trung Quốc này đã tăng hơn 57% về lượng và 13,6% về trị giá so với năm 2014.

Trong khi đó, xuất khẩu thép năm 2015 của Việt Nam chỉ đạt hơn 2,8 triệu tấn thép các loại, tăng nhẹ gần 3%. Trong khi vẫn chưa tìm hướng xuất khẩu sang các thị trường mới, tại thị trường truyền thống là các nước trong khối ASEAN việc xuất khẩu cũng đang bị giảm khoảng 4% về lượng và khoảng 16,7% về giá trị xuất khẩu. Năm 2016, tình hình xuất khẩu thép trong nước được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn do các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, sức ép từ thép nhập khẩu vẫn rất lớn. Do đó, việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại chính là cách tốt nhất để bảo vệ ngành thép trong nước.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2015 Tổng công ty Thép Việt Nam dẫn đầu trong số 5 doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng lớn nhất của hiệp hội với thị phần 21,76%, theo sau là Hòa Phát với thị phần 21,3%, Pomina 12,6%, Vinakyoei 8,5%. Về mảng ống thép, Hòa Phát đứng đầu về sản lượng (359.000 tấn) và bán hàng (329.200 tấn), chiếm trên 23% thị phần; Hoa Sen đứng thứ hai với sản lượng 212.780 tấn, bán hàng 269.330 tấn, chiếm 18,9% thị phần.
Nguyễn Hiền (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.