15/05/2013 9:30 AM
Dòng tiền nhàn rỗi đang tìm hướng dịch chuyển khi lãi suất gửi tiết kiệm giảm dần.

Lãi suất (LS) các NH thương mại đang áp dụng huy động kỳ hạn dưới 12 tháng từ 5 - 7,5%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 8 - 10%/năm. Đây là mức LS tiết kiệm thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, năm 2008 và 2010, cuộc đua huy động giữa các NH đã đẩy LS lên đến 18 - 19%/năm, cao gấp đôi so với mức LS hiện tại.

Chọn nơi trú ẩn cho tiền nhàn rỗi lúc này không đơn giản - Ảnh: Diệp Đức Minh

Chuyển dòng tiền gửi ngắn hạn sang dài hạn

Trước động thái cắt giảm LS huy động của các NH lớn xuống dưới trần huy động 7,5% của NHNN, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng việc giảm LS không quá mạnh nhưng thể hiện rõ ý đồ của các NH chuyển dòng tiền gửi ngắn hạn sang dài hạn. Có NH đã đưa LS huy động tiền đồng kỳ hạn 1 tháng xuống 5%/năm nhưng ở kỳ hạn 3 tháng trở lên LS vẫn ở mức 7-7,5%/năm. Nếu lượng tiền gửi dài hạn tăng lên, NH sẽ có nguồn vốn cho vay dài hạn tốt hơn, vì vậy không quá lo lắng về vấn đề dòng tiền sẽ chảy sang các kênh đầu tư khác do LS huy động thấp. Tuy nhiên, TS Lê Thẩm Dương cũng cảnh báo thanh khoản của hệ thống NH hiện nay đã được cải thiện nhiều nhưng một số NH vẫn chưa được khỏe, nếu trần huy động giảm nữa thì thanh khoản của những NH này có thể gặp vấn đề.

Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là người gửi tiền NH đang cân nhắc việc tìm nơi sinh lời tốt hơn cho đồng vốn. Bởi nhiều năm nay, gửi tiền NH luôn là lựa chọn số 1 khi LS cao trong lúc chứng khoán (CK), bất động sản đóng băng, vàng rủi ro... Thế nên, việc LS tiết kiệm đã và đang tiếp tục xu hướng giảm khiến họ thực sự băn khoăn. Lo ngại về việc người dân chuyển tiền gửi tiết kiệm sang kênh khác cũng đang được đặt ra.

Chứng khoán đón đầu

Thêm nhiều NH giảm LS huy động

Sau các NH lớn giảm LS huy động tiền đồng, các NH cổ phần bắt đầu tham gia giảm LS. Chẳng hạn, NH TMCP Quân đội (MB) giảm LS huy động ở kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng còn 7%/năm; kỳ hạn 3 - 9 tháng còn 7,2%/năm; trên 12 tháng còn 9%/năm. NH TMCP Hàng hải (MaritimeBank) giảm LS huy động kỳ hạn dưới 12 tháng xuống còn 7,2%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng còn 9%/năm. NH TMCP Kỹ thương (Techcombank) ở mức 6,85 - 7,05%/năm đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 8,85%...

T.X

Vàng quá rủi ro khi giá trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5 triệu đồng/lượng, bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục nên theo nhiều chuyên gia, CK là kênh đầu tư có cơ hội lớn nhất trong việc đón dòng tiền nhàn rỗi thời điểm này.

Việc giảm LS của các NH cũng kéo LS cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán (CTCK) giảm theo. Đơn cử, CTCK Ngân hàng Vietcombank giảm từ 16,4%/năm xuống còn 15%/năm; CTCK Maybank Kim Eng cho biết từ ngày 15.5 sẽ giảm LS margin từ 16,2%/năm còn 15,5%/năm… Ông Kim Thiên Quang, Giám đốc khối khách hàng cá nhân CTCK

Maybank Kim Eng, nhận định LS margin, LS tiền ứng trước khi bán CK và LS tiết kiệm cùng giảm sẽ thu hút thêm sự tham gia của các nhà đầu tư vào TTCK. Hiện CK vẫn được xem là kênh đầu tư thuận lợi hơn so với vàng, bất động sản, bởi nhà đầu tư có nhiều cơ hội lựa chọn cổ phiếu, vốn linh hoạt và nhiều DN có cổ tức tốt, khả năng tăng trưởng cao trong năm nay.

Cũng cho rằng CK có lợi thế đón dòng tiền đầu tư vào thời điểm này nhưng TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM, phân tích hạn chế của kênh này là từ đầu năm đến nay nhiều cổ phiếu đã tăng giá lên khá cao so với nội tại doanh nghiệp. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn e dè và chưa tham gia mạnh. Hơn nữa, TTCK vẫn là kênh đầu tư có nhiều rủi ro nên chỉ phù hợp cho những ai am hiểu thị trường. Đồng quan điểm này, bà Đoàn Thị Thanh Trúc, Phó phòng Phân tích CTCK Rồng Việt, cho biết hiện có nhiều DN đang chia cổ tức cao hơn nhiều so với LS gửi tiết kiệm NH. Đó là lợi thế của CK, nhưng tỷ lệ cổ tức trung bình 10-12%/năm là chưa đủ. Nhà đầu tư vẫn kỳ vọng một mức sinh lời cao hơn để bù đắp mức độ rủi ro của thị trường này. Vì vậy, dù đã xuất hiện xu hướng đầu tư để lấy cổ tức nhưng làn sóng này chưa lan rộng.

Chưa bao giờ, chọn một nơi trú ẩn cho dòng tiền nhàn rỗi lại khó khăn như lúc này.

Thanh Xuân - Mai Phương (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.