25/03/2017 10:07 AM
Trước diễn biến các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ, chứng khoán chưa thực sự hồi phục, việc gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn là lựa chọn được ưu tiên của nhiều người, bởi dễ dàng, an toàn và cho nguồn thu ổn định.
Với mức lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn dài trên 7%/năm, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương
Trong câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ, nếu có trong tay 1 tỷ đồng nhàn rỗi, ông sẽ chọn cách gửi vào ngân hàng để nhận lãi suất khoảng 6 - 7%/năm.
Theo TS. Hiếu, hiện có 5 kênh đầu tư chủ đạo người dân có thể bỏ vốn vào, trong đó là vàng, ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm. Trong số này, vàng sẽ còn nhiều biến động trước sức ép tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Với kênh ngoại tệ, tỷ giá khó biến động mạnh và Nhà nước cũng không cho phép đầu tư vào kênh này, vả lại, lãi suất tiết kiệm ngoại tệ đã được đưa về 0%. Còn chứng khoán thì chưa thực sự hồi phục bền vững, bất động sản lại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư tương đối lớn.
Phân tích được đưa ra từ một chuyên gia tài chính khác, trong nửa đầu năm nay, gửi tiền tại các ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất. Dù tỷ giá có xu hướng tăng 2 - 3%, song với chính sách lãi suất tiền gửi bằng USD 0%/năm hiện nay, việc gửi tiết kiệm không có lợi bằng gửi ngân hàng với lãi suất 7%/năm.
Bất động sản cũng là lựa chọn đầu tư tốt, song nên thận trọng với phân khúc cao cấp vì đã có dấu hiệu cung lớn hơn cầu, nên nhắm vào phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình, những dự án có cơ sở hạ tầng đầy đủ và tiện ích tốt.
Dưới góc nhìn của ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), về dài hạn, vàng vẫn là kênh đầu tư có thể xem xét, bởi thế giới đang có nhiều yếu tố bất ổn như chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Brexit, bất ổn ở Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ... do đó, vàng vẫn là nơi trú ẩn rủi ro tốt.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, trong ngắn hạn, việc tăng lãi suất của Fed và hứa hẹn sẽ tăng thêm không dưới 3 lần năm nay áp lực lên mặt hàng kim loại quý vàng, có thể khiến giá vàng giảm, nên việc lướt sóng giá vàng có nguy cơ thua lỗ.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh lại cho rằng, việc lựa chọn kênh đầu tư tùy vào cảm nhận của mỗi người và khẩu vị rủi ro với từng công cụ đầu tư đó. Tuy nhiên, trước bối cảnh giá vàng biến động khó lường, bất động sản trong tình trạng nguồn cung vẫn dồi dào, với những người muốn mức lợi nhuận phù hợp, đảm bảo an toàn vốn thì gửi tiết kiệm vẫn có thể là lựa chọn tốt, nhất là khi lãi suất huy động dự báo sẽ khó giảm.
Lãi suất huy động đang được các ngân hàng áp dụng dao động 5,5 - 7%/năm với kỳ hạn dưới 1 năm, còn kỳ hạn trên 1 năm phổ biến từ 7,2 - 7,5%/năm. Lãi suất tiết kiệm đã tăng trong 2 quý đầu năm và khả năng chưa dừng lại trong nửa cuối năm 2017.
Cùng với việc nâng lãi suất huy động, từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều ngân hàng đã tung ra các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, quà tặng cho người gửi tiền.
“Hiện người gửi tiền vẫn được hưởng mức lãi suất thực dương và kể cả khi lạm phát có tăng lên trong thời gian như các dự báo thì lãi suất khó có thể đứng yên”, ông Minh nói.
Thực tế, gửi tiết kiệm đang là ưu tiên lựa chọn với nhiều người có tiền nhàn rỗi. Khác với những năm trước, khi lãi suất biến động sau thời kỳ khủng hoảng, người gửi tiền luôn chọn kỳ hạn ngắn để dễ dàng điều chỉnh mỗi lần lãi suất thị trường tăng, xu hướng gửi tiết kiệm hiện nay có phần thay đổi khi chuyển sang kỳ hạn gửi dài ngày.
Đó cũng là lý do để các ngân hàng áp dụng lãi suất kỳ hạn dài cao hơn. Biên độ chênh lệch giữa lãi suất kỳ hạn ngắn và dài được các ngân hàng áp dụng hiện nay từ 2 - 3%/năm, nên nhiều người gửi dài hạn để được hưởng lãi suất lên tới 7 - 7,9%/năm.
"Hiện người gửi tiền vẫn được hưởng mức lãi suất thực dương và kể cả khi lạm phát có tăng lên trong thời gian như các dự báo thì lãi suất khó có thể đứng yên".
Vân Linh (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.