Kỷ luật loạt cán bộ, đảng viên nhưng không nêu tên
UBND huyện Thanh Trì vừa báo cáo kết quả thực hiện các chỉ đạo của UBND TP Hà Nội liên quan đến dự án Xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (dự án Khu đô thị Đại Thanh) do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (thuộc tập đoàn Mường Thanh) của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư.
Về dự án này, trước đó, năm 2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra nhiều sai phạm. Theo TTCP, tính đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án. Mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói tuy nhiên các bên tham gia thực hiện dự án đã chuyển nhượng bất hợp pháp.
UBND huyện Thanh Trì không nêu rõ danh tính cụ thể những cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm tại chung cư Đại Thanh
“Chủ đầu tư dự án chưa nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước nhưng đã khởi công xây dựng từ tháng 3/2012, trong quá trình xây dựng có nhiều vi phạm”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra rằng dự án Đại Thanh có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội; đối với các bên tham gia dự án đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước trong quá trình thực hiện dự án.
Dự án gồm các khu nhà liền kề, biệt thự và 6 khối nhà cao tầng được phê duyệt xây dựng 29 tầng. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã xây các tòa nhà chung cư tăng lên 32 tầng và đã được bán cho cư dân vào sinh sống....
Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, có dấu hiệu thất thoát tiền ngân sách nhà nước. TTCP kiến nghị cơ quan công an điều tra hình sự những sai phạm tại dự án Đại Thanh.
Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân và tập thể, UBND huyện Thanh Trì cho biết, đã nghiêm túc thực hiện Kết luận số 39-KL/UBKTTU ngày 12/7/2017 của UBKT Thành ủy Hà Nội, thi hành kỷ luật đối với 4 đồng chí cán bộ, đảng viên; kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 5 tổ chức. Tuy nhiên, UBND huyện Thanh Trì không nêu rõ danh tính cụ thể những cá nhân, tổ chức.
9 lần đối thoại cư dân Đại Thanh vẫn bế tắc cấp sổ đỏ
UBND huyện Thanh Trì cũng cho biết, ngày 20/9, UBND huyện đã chủ trì cùng Thanh tra TP, cơ quan cảnh sát điều tra (Công an TP) mời toàn thể cư dân họp, làm rõ yêu cầu, nguyện vọng của cư dân về biện pháp xử lý đối với nhà đầu tư, đối với dự án, công trình vi phạm tại dự án khu đô thị Đại Thanh và tổng hợp toàn bộ ý kiến của cư dân, báo cáo TP.
Sau nhiều năm, 9 lần đối thoại những kiến nghị về bất cấp, những sai phạm tại dự án khu đô thị Đại Thanh đến giờ vẫn bế tắc
Theo đó, ý kiến của người dân cơ bản tập trung vào 3 nội dung chính.
Thứ nhất, tuy chủ đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục của Dự án và có một số sai phạm với Nhà nước nhưng do người dân đã bỏ tiền mua nhà, đất qua sàn bất động sản của chủ đầu tư từ năm 2012 nhưng không được cấp sổ đỏ; không được xây nhà nên gặp nhiều khó khăn. Kiến nghị TP cấp giấy chứng nhận cho các hộ liền kề, các căn hộ chung cư chưa được cấp và cho các hộ có đất được xây nhà theo quy hoạch được duyệt song song với quá trình giải quyết xử lý vi phạm của chủ đầu tư.
Thứ hai, người dân yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thiện hạ tầng theo quy hoạch phục vụ cư dân như: thảm nốt mặt đường giao thông, xây trường học, bãi đỗ xe, trồng cây xanh...
Thứ ba, kiểm tra kỹ lại hệ thống PCCC, bảo trì và vận hành hệ thống thang máy đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cư dân. Bàn giao quỹ bảo trì 2%, hồ sơ pháp lý và diện tích sử dụng chung cho Ban quản trị chung cư.
Trước đó, sáng 20/9, UBND huyện Thanh Trì tổ chức cuộc họp ghi nhận ý kiến giữa đông đảo cư dân, người mua nhà tại Khu đô thị Đại với các cơ quan ban ngành TP.Hà Nội.
Tại buổi đối thoại, đại diện cư dân Đại Thanh đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý khi sau 3 năm mới phát hiện sai phạm tại dự án này: Chúng tôi đặt câu hỏi việc cơ quan quản lý thông đồng với doanh nghiệp hay không? Thứ hai là những cán bộ này không có nghiệp vụ, mà không có nghiệp vụ thì làm việc ở vị trí đó làm gì?, đại diện cư dân Đại Thanh nêu câu hỏi.
Đây là lần thứ 9 cư dân Đại Thanh gặp gỡ, đối thoại với các cơ quan liên quan như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Thanh tra thành phố hay chính quyền huyện Thanh Trì để tìm hướng giải quyết những quyền lợi của mình liên quan đến những sai phạm của chủ đầu tư nhưng đến giờ vẫn bế tắc khiến người dân bức xúc.