Chủ đầu tư bán nhà đất chưa đủ pháp lý
UBND huyện Thanh Trì vừa ban hành 8 quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tại dự án công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (dự án Đại Thanh).
Các quyết định cưỡng chế của UBND huyện Thanh Trì nêu rõ lý do là đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tự ý chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Ông Phạm Văn Trung – một trường hợp có quyết định cưỡng chế cho biết, đây là phần công trình tạm gia đình ông xây dựng trên đất dự án Đại Thanh mua từ năm 2014 nhưng đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), không được xây dựng, không được nhập khẩu, không được ghi nhận là “cư dân”…
Công trình nhà tạm xây dựng tại dự án Đại Thanh bị cưỡng chế phá dỡ
“Dự án được bán công khai trên sàn giao dịch từ năm 2012. Ô liền kề tôi mua có hợp đồng, hóa đơn đầy đủ từ năm 2014 với giá hơn 2 tỷ đồng. Sau đó khách hàng mới ngã ngửa dự án chưa đầy đủ thủ tục pháp lý. Tính đến nay đã gần 10 năm khách hàng không thể làm “chính chủ” trên đất đã mua. Tôi làm tạm ngôi nhà để sinh sống do chờ đợi xây dựng quá lâu thì đến nay chính quyền ra quyết định cững chế phá dỡ trong khi không thấy chủ đầu tư dự án đâu”, ông Trung bức xúc cho biết.
“Để có thể mua đất ở đây, gia đình bên ngoại, bên nội phải dồn tiền để cho vay mượn, cực chẳng đã cuối năm 2019, một số gia đình chúng tôi buộc phải làm căn nhà tạm bằng tôn làm nơi cư trú. Sau đó huyện Thanh Trì ra quyết định cưỡng chế 8 nhà và các nhà khác trong thời gian tiếp theo trong khi chủ đầu tư không có động thái gì”, một khách hàng chia sẻ.
Ghi nhận tại dự án Đại Thanh tại khu nhà liền kề, nhiều lô đã được xây dựng kiên cố và có người vào ở, tuy nhiên đều trong tình trạng không có số đỏ. Khách hàng cho biết đã có khoảng 250 căn liền kề, 30 nhà tạm được xây dựng trên tổng số 500 lô. Thời gian qua, UBND huyện Thanh Trì đã thực hiện cưỡng chế 8 trường hợp xây dựng nhà tạm tại đây.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, tại Hồ sơ hợp đồng mua bán nhà liền kề dự án Đại Thanh bên bán là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên do ông Lê Thanh Thản là Giám đốc đại diện ký hợp đồng.
Tại điều khoản giao nhận nhà, hợp đồng cũng ghi rõ: Ngoại trừ trường hợp khách hàng tự xây thô doanh nghiệp sẽ bàn giao nhà xây thô cho khách hàng là sau 18 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.
Đến năm 2016, Thanh tra Chính phủ có kết luận số 2386/KL-TTCP nêu rõ: “Theo quy định của pháp luật, Dự án Đại Thanh còn tiếp tục phải thực hiện các thủ tục: phê duyệt dự án nhà ở, chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giao đất, nhận bàn giao đất ngoài thực địa, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Các điều kiện nêu trên, đến thời điểm thanh tra chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành. Tuy chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định nhưng doanh nghiệp vẫn triển khai thực hiện dự án. Tại thời điểm thanh tra, dự án đã hoàn thiện xong 6 khối nhà chung cư, các căn hộ liền kề, các biệt thự và đã bán hết cho người mua. Như vậy, các bên tham gia dự án (Công ty CP Đại Thanh, Công ty CP Hải Phát và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên) đã vi phạm các quy định Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai…
Sau nhiều năm, qua 9 lần đối thoại nhưng những kiến nghị về bất cập, những kiến nghị của khách hàng liên quan đến loạt sai phạm tại dự án Đại Thanh đến giờ vẫn bế tắc
Tháng 5/2019, UBND huyện Thanh Trì có văn bản 1030/UBND-QLĐT cho biết: “Do thủ tục của dự án chưa đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật nên các hộ chưa đủ điều kiện cấp sổ đỏ, kéo theo chưa đủ điều kiện xây dựng theo quy hoạch được duyệt”.
“Từ sai phạm của chủ đầu tư, sự buông lỏng quản lý của chính quyền mà giờ đây người mua đất như chúng tôi lâm cảnh “khóc dở mếu dở”. Dồn tiền tỷ mua đất mà không có chỗ ở phải đi thuê nhà, phải trả các khoản nợ, tiền thuê nhà, con cái không được học đúng tuyến...” – khách hàng cho biết.
Chủ đầu tư nói không hứa được
Ngày 5/4 vừa qua, đại diện Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên và đại diện người dân mua đất dự án Đại Thanh đã có buổi làm việc liên quan đến nhiều vấn đề tại dự án.
Nêu ý kiến tại buổi làm việc, ông Đỗ Trung Kiên, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên cho rằng thông tin nói dự án ma và tự ý chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp là không đúng, không có căn cứ.
Trong cuộc họp, cư dân yêu cầu doanh nghiệp trả lời đủ các vấn đề về Thời gian nào được xây nhà kiên cố theo hợp đồng để ở?; Thời gian quyền được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất?; Thời gian hoàn chỉnh hạ tầng đồng bộ?; Yêu cầu chủ đầu tư đền bù những thiệt hại của người mua bị phá nhà tạm?.
Một số người dân bị cưỡng chế rất bức xúc và yêu cầu doanh nghiệp đền bù tiền bị phá nhà và cung cấp rõ ràng khi nào được xây nhà, khi nào có sổ đỏ và khi nào xây hạ tầng.
“Doanh nghiệp phải có thời gian rõ ràng khi nào được xây nhà, khi nào có bìa đỏ, khi nào xong hạ tầng?, Yêu cầu doanh nghiệp đến gặp từng hộ dân bị phá để bồi thường”, một khách hàng phát biểu.
Đại diện dân cư cũng yêu cầu đền bù tiền thuê nhà 5 triệu đồng/tháng cho những hộ dân chưa được xây nhà cho đến khi giải quyết được vấn đề pháp lý. Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản chứng minh đất cư dân mua là đất ở đô thị chứ không phải là đất phi nông nghiệp như quyết định UBND huyện.
Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp trả lời, không hứa thời gian nào xây dựng, thời gian làm sổ đỏ.
Dự án Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) do Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô rộng 17ha, gồm các khu nhà liền kề, biệt thự và 6 khối nhà cao tầng, còn lại là các khuôn viên vườn hoa, cây xanh, nhà trẻ và khu công cộng khác. Hiện tại, các khối nhà cao tầng tại dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Mới đây, CQĐT, Công an TP Hà Nội vừa đề nghị truy tố ông Lê Thanh Thản (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) tội lừa dối khách hàng. Tại CQĐT, 488 khách hàng mua 488 căn hộ không được cấp sổ đỏ thông tin, khi ký hợp đồng mua bán căn hộ, họ không biết các căn hộ tại dự án CT6 Kiến Hưng xây sai quy hoạch, bởi đã tin tưởng ông Thản xây dựng theo đúng thiết kế được phê duyệt. Các khách hàng đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ, xử lý chủ đầu tư, nếu không cấp được sổ đỏ đề nghị chủ đầu tư (Công ty Bemes) trả lại tiền mua nhà. Kết luận điều tra nêu, ông Lê Thanh Thản thừa nhận hành vi phạm. Ông Thản khai, do nóng vội trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh nên chưa kịp hoàn thiện các thủ tục hành chính trình các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 của dự án. Ngày 31/7/2019, ông Lê Thanh Thản có đơn đề nghị được khắc phục hậu quả của vụ án theo 3 phương án. Quá trình điều tra, ông Thản lựa chọn phương án khắc phục hậu quả tự thỏa thuận với người mua nhà tại CT6 Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ phá dỡ nhà CT6 Kiến Hưng nhưng đến thời điểm tháng 7/2020, Công ty Bemes mới thương lượng được với hơn chục hộ dân đồng ý trả lại nhà. |
-
Hà Nội: 60 dự án ở Mê Linh chậm triển khai
CafeLand - Sáng 25/3, Đoàn giám sát của HĐND TP đã làm việc với huyện Mê Linh về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội.