03/10/2014 11:05 AM
Cho đến nay, giám sát viên vẫn thu thập dữ liệu cho vay theo định kỳ hàng năm. Trong vài tuần qua, các giám sát viên đã thay đổi “chiến thuật” bằng cách bắt đầu xem xét thường xuyên hơn các khoản vay khi chúng vừa được thực hiện.

Tăng cường giám sát

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng cường các hoạt động giám sát của mình đối với các khoản vay sử dụng đòn bẩy có rủi ro cao bằng cách theo dõi từng khoản vay sau khi những quy định hướng dẫn trước đó hầu như đã bị các ngân hàng xem nhẹ. Theo những nguồn tin giấu tên cho biết, Fed đang hướng đến việc hàng tháng sẽ xem xét lại các khoản vay. Theo đó, các giám sát viên sẽ xem xét từng giao dịch và rủi ro như liên quan đến khả năng trả nợ của khách hàng vay.


Fed đang từng bước tăng cường giám sát với các khoản nợ đòn bẩy

“Các ngân hàng đã bị tuýt còi và cảnh báo, nhưng chúng ta vẫn đang nhìn thấy nhiều tín hiệu cho thấy thị trường đang nóng lên” - Mayra Rodriguez Valladares - người quản lý MRV Associates, một công ty tư vấn về các quy định đối với một số ngân hàng lớn nhất thế giới cho biết, “chúng ta đã từng thấy các vụ việc xấu trước đây. Vấn đề bây giờ là liệu các nhà quản lý sẽ triển khai phần còn lại trong các công cụ mà họ có?”.

Cho đến nay, giám sát viên vẫn thu thập dữ liệu cho vay theo định kỳ hàng năm. Từ năm ngoái, cơ quan giám sát đã đề nghị các ngân hàng cần tuân thủ tốt hơn các hướng dẫn đã được đưa ra vào tháng 3/2013. Trong vài tuần qua, các giám sát viên đã thay đổi “chiến thuật” bằng cách bắt đầu xem xét thường xuyên hơn các khoản vay khi chúng vừa được thực hiện.

Điều này cho thấy một yêu cầu cấp bách mới trong việc phòng tránh các khoản vay rủi ro cao - một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

Nếu các hoạt động tăng cường giám sát này vẫn chưa đủ phát huy tác dụng, cơ quan quản lý sẽ có các tùy chọn khác. Họ có thể thay đổi xếp hạng giám sát của các ngân hàng. Họ cũng có thể yêu cầu hội đồng quản trị của các ngân hàng phải ký các cam kết thực thi các điều chỉnh, hoặc thậm chí có thể sử dụng đến các biện pháp trừng phạt.

Phép thử của bà Yellen

Thị trường vốn vay sử dụng đòn bẩy tài chính (leveraged-loan market) trị giá 800 tỷ USD được nhìn nhận như là một phép thử để xem Chủ tịch Fed - bà Janet Yellen có thể sử dụng các công cụ giám sát nhằm hạn chế rủi ro quá mức sau gần 6 năm Fed giữ lãi suất cơ bản ở mức rất thấp.

Trong một bài phát biểu hồi tháng 7 vừa qua, bà Yellen cho rằng các công cụ giám sát cần đóng một "vai trò quan trọng" trong việc đối phó với bong bóng giá tài sản.

Theo Phillip Swagel, Giáo sư trường đại học Tổng hợp Maryland - người từng là trợ lý Bộ trưởng Tài chính trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, Fed có thể thấy rằng các công cụ giám sát hiện đang quá yếu để ngăn chặn các khoản vay rủi ro khi lãi suất quá thấp. “Chính vì vậy, dường như Fed sẽ thay đổi theo hướng tăng cường công tác giám sát trong thời gian tới”. Tuy nhiên, nữ phát ngôn viên của Fed - Barbara Hagenbaugh từ chối bình luận về điều này.

Vào tháng 3 năm ngoái, Fed và các nhà điều tiết khác đã đưa ra các quy định cho rằng, các mức nợ nếu lớn quá 6 lần khoản thu nhập trước thuế, lãi vay, khấu hao tài sản hữu hình và vô hình (hay còn gọi với thuật ngữ Ebitda) sẽ thuộc vào diện đáng quan ngại. Các nhà điều tiết cũng nhấn mạnh đến rủi ro là các ngân hàng có thể rơi vào bế tắc với một số lượng lớn các khoản cho vay mà họ có thể không bán ra được nếu thị trường rơi vào suy thoái.

Ngay sau đó, báo cáo khảo sát chia sẻ tín dụng quốc gia hàng năm về xu hướng cho vay cũng chỉ ra các rủi ro đối với thị trường vốn vay sử dụng đòn bẩy tài chính. Như Todd Vermilyea, Phó giám đốc cao cấp của Ban giám sát ngân hàng và Quy chế Hội đồng quản trị của Fed từng chỉ ra, các điều khoản và cấu trúc của các giao dịch cho vay mới vẫn tiếp tục xấu đi trong năm 2014.

“Nhiều ngân hàng đã không thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn được quy định trong hướng dẫn liên ngành” - vị này cho biết. Trên cơ sở chỉ ra việc các ngân hàng đã làm ngơ trước những cảnh báo, các nhà điều tiết yêu cầu các ngân hàng cần tuân thủ tốt hơn những hướng dẫn đã đặt ra.

Theo Standard & Poor, tổng mức nợ đòn bẩy tài chính lớn đã tăng lên 6,26 lần Ebitda trong quý III từ mức 5,89 lần trong nửa đầu năm nay. Như vậy, mức này hiện đã cao hơn một chút so với mức trung bình 6,23 lần Ebitda năm 2007 - năm cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu nổ ra.

Theo Lipper, một công ty thuộc Thomson Reuters chuyên cung cấp dữ liệu quỹ tương hỗ cho biết, năm 2013, các nhà đầu tư đổ một lượng tiền kỷ lục lên tới gần 63 tỷ USD vào các quỹ tương hỗ và các quỹ giao dịch của Mỹ chuyên mua các khoản nợ này - trong đó phần lớn được đánh giá dưới mức “đầu tư”.

Trong khi theo dữ liệu của Bloomberg, tính đến nay các ngân hàng đã thu xếp các khoản vay dạng này với tổng giá trị khoảng 430 tỷ USD để bán cho các nhà đầu tư, bằng khoảng 2/3 con số kỷ lục 696 tỷ USD trong năm 2013. “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thị trường vay nợ cho vay hiện nay" - bà Yellen nói trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện gần đây.

Đỗ Lê (Thời báo Ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.