19/01/2017 4:37 PM
Vài năm gần đây, các NHTM đã đẩy mạnh cơ cấu lại kỳ hạn huy động, vẽ lại đường cong lãi suất, tuy nhiên tỷ trọng vốn huy động trên 6 tháng mới được cải thiện một phần. Đây sẽ là áp lực lớn trong thời gian tới đối với các NH trong việc cấp tín dụng trung và dài hạn theo quy định của Thông tư 06.
Rủi ro
Từ năm 2014 trở về trước, nhiều NH hạn chế cho vay kỳ hạn dài vì vốn huy động ngắn hạn chiếm đến 80-85% tổng vốn huy động, nguồn tái cấp vốn của NHNN cũng chủ yếu là vốn ngắn hạn nên NH không đủ hạn mức để vừa cho vay trung và dài hạn, vừa mua trái phiếu chính phủ.
Trước tình hình này, NHNN đã ban hành Thông tư 36/2014 về việc nâng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 30% lên 60%, với mục đích khuyến khích các NHTM dồn vốn cho doanh nghiệp vay đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Sau khi Thông tư 36 có hiệu lực, trong năm 2015, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn toàn hệ thống đã tăng vọt từ 22,4% lên 30,57%.
Tuy nhiên, diễn biến của tín dụng lại trái với kỳ vọng của NHNN, khi nguồn tiền này không chảy vào sản xuất kinh doanh mà tập trung cho vay bất động sản, dẫn đến nguy cơ gia tăng rủi ro thanh khoản toàn hệ thống.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ 2017 của NHNN diễn ra đầu tháng 1-2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết tổng tín dụng của nền kinh tế trên 50% là trung-dài hạn, nhưng huy động vốn chỉ chiếm 12-13%, cho thấy cơ cấu tín dụng còn những rủi ro kỳ hạn, có những phân khúc chưa an toàn.
Còn theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2016 hệ thống các TCTD tiếp tục đối mặt với chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Theo đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay và đầu tư trung-dài hạn của hệ thống TCTD tăng từ 31,8% lên khoảng 35%. Ở một số TCTD tỷ lệ này cao sát mức trần quy định 50% tại Thông tư 06/2016 của NHNN.
Thông tư này sửa đổi và bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, NH nước ngoài. Theo đó, từ ngày 1-1 đến 31-12-2017, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn của các TCTD là 50%. Như vậy, một số NH có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vượt hoặc chạm mốc 50% sẽ không được cấp thêm bất kỳ khoản tín dụng trung-dài hạn nào.
Trong bối cảnh này, nhiều NH phải đẩy mạnh tốc độ huy động vốn lẫn cơ cấu lại kỳ hạn huy động để tiếp tục tham gia cung ứng vốn trung và dài hạn cho thị trường trong năm 2017. Năm 2015, huy động vốn chỉ tăng gần 14% và các TCTD kỳ vọng ở mức khoảng 17,5% trong năm 2016, tuy nhiên trong cuộc đua đáp ứng yêu cầu của Thông tư 06, huy động vốn đến cuối năm ngoái đã tăng trưởng rất mạnh 18,38% so với năm 2015.
Nhưng nguồn vốn này vẫn chưa giải tỏa được áp lực tuân thủ quy định về an toàn hoạt động, vì tiền gửi dài hạn còn thấp đã kéo theo lãi suất kỳ hạn dài tăng cao. Khi thực hiện quy định mới, áp lực lớn trong việc huy động vốn sẽ càng nặng nề hơn. Bởi theo thống kê, hiện nhiều NH có tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng vốn huy động đã vượt quá quy định 80% và tỷ lệ nợ trung và dài hạn cao hơn 50%.
Ảnh minh họa: LONG THANH
Sản phẩm đặc thù mới hút vốn dài hạn
Gần đây, các NHTM đang có xu hướng giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài. Chênh lệch giữa lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và dài cũng giãn rộng ra, người dân gửi tiền càng dài hạn sẽ được hưởng lãi suất càng cao.
Đồng thời, nhiều NH còn phát hành thêm các loại giấy tờ có giá để huy động vốn trung và dài hạn. Năm 2016, BIDV đã phát hành chứng chỉ tiền gửi VNĐ dài hạn cho khách hàng cá nhân có nguồn tài chính lớn, khi gửi tối thiểu 500 triệu đồng với kỳ hạn 13 tháng trả lãi cuối kỳ hoặc trả lãi hàng tháng, sẽ được hưởng lãi suất 6,9%/năm, cao hơn so với gửi tiền tiết kiệm thông thường cùng kỳ hạn của NH này 0,2%.
Tuy vậy, dù đường cong lãi suất được vẽ lại, các NH tích cực huy động vốn trung và dài hạn, nhưng nhìn vào báo cáo tài chính của các NH, phần lớn nguồn vốn huy động vẫn tập trung vào các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.
Nhiều dự báo cho rằng sắp tới nhiều NH sẽ tăng cường huy động vốn kỳ hạn dài, tạo xu hướng cạnh tranh lãi suất trong cả năm. Tuy nhiên, quan sát tại một số NH cho thấy nếu có hướng đi mới, NH có thể huy động vốn dài hạn ổn định hơn so với việc cạnh tranh lãi suất.
Như theo thông tin từ BacABank, năm 2014 NH này huy động vốn tiết kiệm người cao tuổi từ năm 2014 và sau 2 năm lượng khách hàng tăng từ 66.606 người lên 89.253 người, số tiền gửi tăng từ 2.600 tỷ đồng từ tháng 9-2014 lên 28.267 tỷ đồng vào cuối tháng 7-2016; trong đó tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng chiếm gần 80% tỷ trọng tổng tiền gửi tiết kiệm cao tuổi, còn tỷ trọng tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chiếm đến 33%.
Hiện nay, các NH cũng đã có sản phẩm tiết kiệm cho con như Super Kid của Techcombank, tiết kiệm tích lũy cho con của VietinBank, tiết kiệm Phù Đổng của Sacombank, tích lũy trẻ em lớn lên cùng yêu thương của BIDV, tiết kiệm cho con yêu của Eximbank… Loại hình tiết kiệm này tuy chỉ huy động kỳ hạn dài nhưng lại đánh trúng nhu cầu của người dân nên rất dễ thu hút nguồn tiền gửi. Nếu các NH nghiên cứu, tiếp cận sâu hơn, kèm theo những chính sách chăm sóc khách hàng hấp dẫn, chắc chắn sẽ thu hút được nguồn vốn dài hạn không nhỏ từ các nhóm khách hàng này để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn.
Đỗ Linh (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.